Cùng với lợi thế đường bờ biển dài, nhiều di tích và danh thắng đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch, Khánh Hòa còn có một nền văn hóa biển đảo lâu đời với nhiều giá trị đặc trưng, đặc sắc, như: văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán, nghi lễ, ngành nghề truyền thống, nghệ thuật diễn xướng… Chính vì thế, việc phát huy và gìn giữ những giá trị văn hóa này không chỉ mang tính bảo tồn những vốn quí dân gian mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển du lịch Nha Trang trong tương lai.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Hạnh- Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa: “Khánh Hòa là tỉnh có thế mạnh về du lịch biển đảo, về mặt điều kiện tự nhiên có nhiều vịnh đẹp, có bãi biển Nha Trang. Trên vùng biển đảo này đã và đang tồn tại một nền văn hóa khá lâu đời với nhiều giá trị đặc trưng truyền thống. Hiện nay những dấu tích còn lại, những truyền thống vẫn được lưu giữ và được phát huy tại những cộng đồng dân cư ven biển, có nét tương đồng với các tỉnh khu vực miền Trung nhưng cũng có những nét riêng về phong tục, tập quán lễ hội”.
Khánh Hòa là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh thắng, như: bờ biển Đại Lãnh, Dốc Lết, Hòn Chồng, các vịnh biển và các di tích, như: căn cứ Hòn Hèo, thành cổ Diên Khánh cùng gần 200 ngôi nhà cổ có niên đại trên dưới 100 năm. Tất cả đều mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng mang tính đặc thù của một vùng đất có bề dày trên 300 năm lịch sử. Đặc biệt, những giá trị văn hóa phi vật thể được biểu hiện thông qua các làng nghề truyền thống, các lễ hội ở Nha Trang, như: nghề lưới đăng, nghề làm muối, đúc đồng, nước mắm, lễ hội cầu ngư, cúng đình… tự bản thân các giá trị trên cũng khắc họa nên một nền văn hóa biển đảo đa dạng, phong phú trong sự gắn liền với đời sống sinh hoạt đời thường của cộng đồng cư dân.
Nét văn hóa Nha Trang Khánh Hòa
Trong bối cảnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, nhiều làng nghề, phong tục lễ hội đang đứng trước nguy cơ bị mai một, lãng quên. Trước thực trạng đó, thời gian qua, ngành văn hóa đã kịp thời đưa một số hoạt động văn hóa vào gắn kết với du lịch, để qua đó vừa tạo việc làm cho người dân, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa địa phương và quảng bá rộng rãi ra với công chúng.
Tuy nhiên, sự kết hợp này cũng chỉ mới khai thác được phần nào trong cả chuỗi di sản văn hóa đặc sắc trong toàn tỉnh. Chính vì thế, để nâng cao hiệu quả bảo tồn, trong thời gian tới, ngành văn hóa dự định sẽ tiếp tục đẩy mạnh, lồng ghép các di sản văn hóa phi vật thể vào các tour du lịch, như: tham quan lễ hội truyền thống tại các di tích, tái hiện hoạt động nghệ thuật trình diễn dân gian, như: múa Bóng, bài Chòi, đặc biệt, sự tái hiện này phải được bố trí ở nhiều điểm du lịch, nhiều khu du lịch khác nhau để tăng thêm sự đa dạng, hấp dẫn cho các tour du lịch khám phá.
Có thể nói, văn hóa chính là điểm tựa cho mọi sự phát triển kinh tế xã hội của Nha Trang. Việc bảo tồn là việc làm cần thiết và mang tính lâu dài để đảm bảo cho những bản sắc địa phương được tồn tại và trở thành thương hiệu riêng đối với một vùng đất du lịch như Khánh Hòa. Và nếu những dự định của ngành văn hóa trở thành hiện thực, điều đó đồng nghĩa với việc giá trị văn hóa sẽ được củng cố và bảo tồn ngày càng tốt hơn.
Thạc sĩ Lê Văn Hoa- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cho biết: “Chúng ta có một hệ thống biển đảo làm nên những sức hút cho sản phẩm du lịch mà ai đến Khánh Hòa mà cũng muốn đến nhiều lần. Hệ thống đảo của chúng ta đã phát triển mạnh và xứng tầm trong xu thế hội nhập hiện nay, tạo ra những thương hiệu riên của khánh Hòa”.
Sưu tầm