Cập nhật: 06/09/2017 14:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhằm phát hiện bệnh tật, các nguy cơ về bệnh tật để tư vấn, xử trí hoặc điều trị thích hợp cho trẻ em, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức khám tổng quát và kiểm tra sức khỏe cho trẻ em mỗi năm một lần.

Đây là nội dung Thông tư số 23/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15-09-2017 của Bộ Y tế. Theo đó, trẻ từ khi sinh đến trước khi vào học mầm non và trẻ dưới sáu tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn về các nội dung: Đo chiều cao, cân nặng để đánh giá về phát triển thể lực; khám toàn diện để đánh giá về phát triển tinh thần, vận động, phát hiện bệnh tật, các dấu hiệu bất thường và nguy cơ về bệnh tật; kiểm tra tiêm chủng theo lịch và tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đối với trẻ em chưa tiêm và có nhu cầu…

Trẻ em từ bảy đến dưới 16 tuổi không đi học được khám sức khỏe định kỳ tại Trạm y tế xã theo nội dung ghi trong Hồ sơ quản lý sức khỏe. Trẻ là học sinh từ mầm non đến hết trung học cơ sở được kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe tại trường vào đầu năm học.

Cũng trong tháng 9 này, có nhiều chính sách mới liên quan đến y tế, giáo dục được người dân rất quan tâm.

Trường học phải có đường dây nóng tiếp nhận thông tin của học sinh

Nhằm tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho học sinh, Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của học sinh nhưng phải bảo mật cho người cung cấp thông tin.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục còn phải thường xuyên trao đổi thông tin với phụ huynh trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của học sinh.

Với học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường, cần phải phát hiện kịp thời; đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể; thực hiện tham vấn, tư vấn cho học sinh có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực…

Nội dung trên được nêu tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 5-9-2017.

Không tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, phạt đến 800.000 đồng

Từ ngày 15-09-2017, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ được áp dụng theo quy định của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Đáng chú ý, Nghị định quy định phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Ngoài ra, Nghị định còn chỉ rõ, phạt từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi ngâm, tẩm hóa chất vào sản phẩm động vật; phạt từ 15 đến 20 triệu đồng với hành vi giết mổ động vật, thu hoạch động vật thủy sản dùng làm thực phẩm trước thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y không theo hướng dẫn sử dụng hoặc hành vi đưa nước, các loại chất khác vào động vật trước khi giết mổ.

Với hành vi sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y; giết mổ động vật mắc bệnh, kinh doanh sản phẩm động vật mang mầm bệnh, mức phạt được quy định từ 25 đến 30 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực ngày 15-9-2017.

Phương tiện tránh thai thuộc nhóm hàng có khả năng gây mất an toàn

Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế đã được Bộ này ban hành tại Thông tư số 31/2017/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 15-09-2017.

Danh mục gồm sáu nhóm: Thuốc thành phẩm, vắc-xin, sinh phẩm điều trị; Nguyên liệu làm thuốc, bao bì tiếp xúc trực tiếp vào thuốc; trang thiết bị y tế thuộc loại B, C và D quy định tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP; phương tiện tránh thai; chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; thiết bị y học cổ truyền.

Như vậy, Phương tiện tránh thai là nhóm sản phẩm được thêm mới vào danh mục này, thay cho nhóm Vị thuốc đông y có độc tính trước đây.

Phương tiện tránh thai bao gồm: Các phương tiện tránh thai sử dụng qua đường cấy/ghép; các phương tiện tránh thai đặt trong buồng tử cung; bao cao su và các chất bôi trơn; các phương tiện tránh thai dán trên da…

 

Theo TRẦN NGUYÊN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm