Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ hai vừa diễn ra, công tác quảng bá, xúc tiến được các chuyên gia xác định là một trong ba "điểm nghẽn" của du lịch Việt Nam. Ðiều này khẳng định, chú trọng nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến chính là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài để phát triển du lịch.
Các doanh nghiệp lữ hành tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế tại thủ đô Luân Ðôn, Vương quốc Anh năm 2016. Ảnh: NGUYỄN NAM
Bài 1: Những bất cập trong quảng bá, xúc tiến du lịch
Ðánh giá đúng về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến, quảng bá trong việc tạo ra sức cạnh tranh cho thương hiệu du lịch Việt Nam, những năm gần đây, công tác này đã được các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch T.Ư và địa phương cùng các doanh nghiệp hết sức coi trọng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi ngành du lịch cần nhanh chóng thay đổi, tháo gỡ.
Thiếu tính chuyên nghiệp
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, du lịch Việt Nam đón hơn 10 triệu khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015 và tăng gấp đôi so với năm 2010; tổng thu từ khách du lịch đạt 417 nghìn tỷ đồng. Bảy tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đã đạt 7,25 triệu lượt, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2016. Ðây là con số tăng trưởng đáng khích lệ, cũng là kết quả từ sự đóng góp quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Thời gian qua, quy mô, phạm vi hoạt động và chất lượng quảng bá, xúc tiến du lịch đã được mở rộng, nâng cao. Mỗi năm, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đều tham gia 13 đến 14 hội chợ quốc tế lớn như: Travex, ITB (Ðức), MITT (Nga), Jata (Nhật Bản)…; tổ chức 10 đến 15 đoàn famtrip, presstrip giới thiệu các điểm đến, dịch vụ du lịch nổi bật của Việt Nam; thực hiện 10 đến 15 roadshow tại các thị trường trọng điểm nước ngoài. Bên cạnh đó, việc quảng bá qua phương tiện truyền thông và tiếp thị điện tử (e-marketing) cũng được đẩy mạnh. Hoạt động xúc tiến thông qua các sự kiện quốc tế như Lễ hội pháo hoa Ðà Nẵng, Festival Hoa Ðà Lạt, Lễ hội Chè Thái Nguyên… và các Năm Du lịch quốc gia được tổ chức hằng năm đã mang lại nhiều dấu ấn. Nhờ đó, một số điểm du lịch của Việt Nam trở nên nổi tiếng và tạo dựng được thương hiệu với du khách thế giới như: Hạ Long, Sa Pa, Hà Nội, Ðà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, Mũi Né…
Tuy nhiên, so với tiềm năng du lịch, hiệu ứng tiếp thị từ các hoạt động xúc tiến, quảng bá mới chỉ dừng ở mức độ nhất định. Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu nhận định: Công tác nghiên cứu thị trường bước đầu đã được thực hiện nhưng chưa thật sự chủ động để làm cơ sở cho phát triển sản phẩm xúc tiến, quảng bá. Do đó, việc triển khai chưa có trọng điểm, chiều sâu để đáp ứng yêu cầu thị trường mục tiêu. Phạm vi, quy mô tổ chức các hoạt động còn hẹp so với yêu cầu phát triển và so với các nước trong khu vực. Tại các hội chợ quốc tế, hình ảnh hiện diện gian hàng quốc gia chưa ổn định, hiệu quả kết nối giao dịch tại gian hàng chưa phát huy. Hội chợ trong nước còn mang nặng tính hình thức. Nhiều chuyến khảo sát du lịch chưa thể hiện được thành các tua mẫu cho nên chưa tạo ấn tượng. Trong khi đó, hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng còn chung chung, chưa có thông điệp và chưa đánh giá được hiệu ứng tác động. Quảng bá qua các sự kiện còn thụ động. Hầu như các chương trình Năm Du lịch quốc gia mới chỉ dừng ở mức độ giới thiệu hoành tráng về văn hóa địa phương mà chưa thu được kết quả về đầu tư hay kết nối kinh doanh tua, tuyến…
Mới chỉ là cuộc "dạo chơi"
Không khó để nhận ra, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của nước ta nhìn chung khá đơn điệu, thiếu sáng tạo và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rất khó tạo ra đột phá nếu nguồn kinh phí dành cho công tác này eo hẹp như hiện nay. Theo số liệu từ Tạp chí Forbes (Mỹ), ngân sách cho xúc tiến du lịch quốc gia của Thái-lan là 69 triệu USD/năm, của Ma-lai-xi-a là 105 triệu USD/năm, của In-đô-nê-xi-a là 200 triệu USD/năm; trong khi của Việt Nam chỉ là hai triệu USD/năm, quá thấp so với các nước ASEAN và trong khu vực. Không những thế, khoản kinh phí này còn bị phân tán, triển khai đồng loạt nhiều nhiệm vụ cho nên chưa tạo động lực mang tính đột phá. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: Với mức kinh phí này, du lịch Việt Nam khó có thể làm gì nhiều, chỉ dừng ở mức "dạo chơi" trong xúc tiến. Kinh phí hạn hẹp làm hạn chế khả năng sử dụng, khai thác các hình thức, công cụ xúc tiến du lịch phổ biến và hiệu quả trên thế giới như: thực hiện gian hàng bắt mắt, ấn tượng tại hội chợ quốc tế, quảng cáo trên phương tiện truyền thông nước ngoài… Mặt khác, quy trình cấp kinh phí, thẩm định, phê duyệt đề cương, dự toán, đấu thầu… còn nhiều thủ tục phức tạp, mất thời gian dẫn tới bị động trong triển khai. Cơ chế cấp kinh phí hằng năm cũng chưa linh hoạt để có thể xây dựng và triển khai kịp thời những kế hoạch xúc tiến du lịch nhằm ứng phó các tác động tiêu cực từ những biến động bất thường trong nước, ngoài nước ảnh hưởng tới lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Bên cạnh khó khăn về kinh phí, sự hạn chế về bộ máy, nhân lực thực hiện hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng là nguyên nhân lớn khiến công tác này chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Tới thời điểm hiện tại, Tổng cục Du lịch vẫn đang là đơn vị quản lý và chịu trách nhiệm chính trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, để Tổng cục Du lịch làm việc này là không phù hợp bởi đây là đơn vị quản lý nhà nước về du lịch. Việc chưa tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng xúc tiến du lịch khiến hiệu quả hoạt động chưa cao. Quảng bá, xúc tiến du lịch là lĩnh vực bao gồm nhiều nội dung, hình thức, trải rộng trên phạm vi cả trong nước và ngoài nước, song lực lượng trực tiếp triển khai các hoạt động này ở T.Ư và địa phương, lại vẫn phải đảm đương công việc quản lý nhà nước, cho nên khó bảo đảm hiệu quả. Tổ chức bộ máy xúc tiến du lịch cũng còn nhiều hạn chế, lực lượng trực tiếp triển khai mỏng, thiếu tính chuyên nghiệp. Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lưu Ðức Kế cho biết: Khi Thái-lan có tới 27 văn phòng, Xin-ga-po có 23 văn phòng, Ma-lai-xi-a có 35 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài thì Việt Nam chưa có một văn phòng nào ở nước ngoài để xúc tiến du lịch tại chỗ, trong khi đây mới chính là lực lượng hiểu rõ nhất về thị trường nguồn để có những hoạt động xúc tiến cụ thể. Chính vì thế, thời gian qua, thông tin về du lịch Việt Nam phục vụ phần lớn các đối tượng khách ở nước ngoài không đầy đủ; các hoạt động xúc tiến, quảng bá ở nhiều nước thiếu những thông tin riêng về sản phẩm đặc thù để phục vụ khách du lịch ở từng thị trường trọng điểm.
Thêm nữa, trong cơ chế phối hợp, sự hợp tác liên ngành trong xúc tiến, quảng bá du lịch thiếu chặt chẽ. Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay, một số cấp, ngành vẫn chưa thật sự coi đây là trách nhiệm liên quan trực tiếp của mình để đáp ứng đòi hỏi cơ bản của hoạt động xúc tiến du lịch là tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Các hoạt động xúc tiến lớn đã bước đầu thu hút được sự đồng hành của doanh nghiệp nhưng chưa thật mạnh mẽ. Chưa hình thành thông lệ hay quy định về quyền lợi và trách nhiệm trong việc huy động và sử dụng kinh phí xã hội hóa trong xúc tiến du lịch, vì thế chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa để tổ chức triển khai bài bản hiệu quả. Ðây là những "nút thắt" ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam; đòi hỏi cần sớm có những giải pháp tháo gỡ, tạo động lực cho toàn ngành phát triển.
TRANG ANH/Nhandan.com.vn