BS Vũ Trường Khanh: "Vi khuẩn HP, thói quen sinh hoạt và khẩu phần ăn nhiều muối là nguy cơ gây nên ung thư dạ dày”.
“Tỉ lệ ung thư dạ dày, tỉ lệ kháng thuốc và kháng sinh điều trị vi khuẩn HP ở Việt Nam khá cao. Nhiều loại thuốc điều trị HP tại nhiều nước đạt hiệu quả tới 80% đến 90%, ở Việt Nam tỷ lệ thành công chỉ dưới 80%”.
Đây là con số do TS BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cung cấp.
Vì sao tỉ lệ ung thư dạ dày và nhiễm HP ở Việt Nam khá cao? Lý giải điều này, TS BS Vũ Trường Khanh cho biết: “Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất. Ở Việt Nam không cao bằng Nhật Bản, thấp hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do vi khuẩn HP, thói quen sinh hoạt và khẩu phần ăn của chúng ta rất nhiều muối. Chúng ta ăn nhiều thứ có chất nitrat – đây là cái gốc chuyển hóa gây nên ung thư dạ dày”.
Nội soi tiêu hóa tại Khoa tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai
Theo một nghiên cứu gần đây tại Hà Nội, cứ 1.000 người dân có tới hơn 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP (Heclicobacter pylori). Còn tại TPHCM, 90% số người bị viêm dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP. Việc điều trị vi khuẩn HP phòng ngừa ung thư dạ dày là rất cần thiết.
BS Vũ Trường Khánh nhấn mạnh: “Vi khuẩn HP sinh ra là do chúng ta lạm dụng thuốc và sử dụng kháng sinh không đúng (tức là chúng ta sử dụng thuốc không đủ thời gian cũng như liều lượng). Chúng ta không kiểm soát được chất lượng thuốc cho nên nó không tiêu diệt được vi khuẩn dẫn đến kháng thuốc. Khi bị kháng thuốc khiến vi khuẩn lây từ người này sang người khác.
Nhiều người cho rằng, HP lây qua đường tiêu hóa và chính xác nó lây như thế nào vẫn đang là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong một môi trường rất nhiều người bị nên khả năng lây qua đường tiêu hóa cao và sẽ làm cho rất nhiều người mắc.
Ở Nhật Bản trước kia tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao thì nay đã giảm do thay đổi cách sinh hoạt. Mỗi người có 1 bộ đồ ăn riêng, chia ra từng khay chứ không chung đụng như ở Việt Nam. Người phương tây ăn riêng, tỉ lệ nhiễm của họ cũng thấp.
Cách phát hiện vi khuẩn HP
BS Vũ Trường Khanh cho biết, có 2 cách để phát hiện vi khuẩn HP như nội soi dạ dày hoặc có thể sử dụng test thở. Ở một số nước họ sử dụng phương pháp phát hiện qua phân cũng tốt.
TS BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai
Phương pháp xét nghiệm huyết thanh qua máu là không có ý nghĩa, chỉ áp dụng cho dịch tễ, tức là quần thể này có bao nhiêu phần trăm. Phương pháp này không dùng cho bác sĩ lâm sàng, một số nơi vẫn sử dụng phương pháp này không chính xác làm cho người bệnh rất hoang mang.
Ở nhiều nước, khi có vi khuẩn HP là họ diệt vì nó liên quan đến ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải ai có vi khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày có thể liên quan tới một số yếu tố, trong đó có yếu tố do cơ địa, chế độ ăn. Nếu một người trong gia đình bị ung thư, khả năng người thân mắc sẽ cao hơn người khác.
BS Khanh đặc biệt lưu ý chế độ ăn nhiều muối và dẫn chứng, trước đây, người Nhật sử dụng trung bình 20gram muối/ngày trong một thời gian dài, nhưng nay họ sử dụng rất thấp, khoảng 5 đến 6gram/ngày. Chúng ta sử dụng muối để muối dưa, muối cà thì người Nhật cũng sử dụng tương tự. “Ăn mặn chính là nguyên nhân tăng ung thư dạ dày” – BS Khanh nhấn mạnh.
Đối tượng nào nguy cơ cao cần đi kiểm tra?
BS Vũ Trường Khanh khuyên những người cần phải điều trị vi khuẩn HP gồm: người loét dạ dày, tá tràng, nếu không điều trị thì tỉ lệ tái loét rất cao. Thứ 2, những bố mẹ, anh chị em ruột cùng huyết thống bậc 1 có ung thư dạ dày nguy cơ sẽ cao hơn, những người đau thượng vị dai dẳng mà có vi khuẩn HP.
BS Khanh khuyến cáo có rất nhiều bệnh liên quan tới vấn đề ăn uống nêu vấn đề vệ sinh sạch sẽ phải đặt lên hàng đầu. Ăn uống và sinh hoạt điều độ.
“Để có một thể trạng tốt, chúng ta phải luyện tập thể thao, rèn luyện sức khỏe”- BS Khanh lưu ý thêm.
Theo Hà Anh/VOV.VN