Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn chợ nổi Cái Răng là 1một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới. Trang web youramazingplaces.com đưa chợ nổi Cái Răng vào danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á.
Ngày 9-7 tới đây, lần đầu tiên UBND TP Cần Thơ tổ chức “Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng”và đón nhận Giấy chứng nhận, Quyết định công nhận văn hoá chợ nổi Cái Răng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là sự tôn vinh nét văn hoá độc đáo của vùng đất Tây Đô, thủ phủ sông nước đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ngày hội Du lịch Chợ nổi Cái Răng sẽ bao gồm các hoạt động: lễ khai mạc, trưng bày ảnh “Nét đẹp Chợ nổi Cái Răng”, diễu hành ghe, tàu trên sông; trưng bày hơn 20 mô hình ghe, xuồng trên sông; trưng bày nhiều gian hàng quảng bá hình ảnh, xúc tiến du lịch Cần Thơ; các gian hàng giới thiệu sản phẩm truyền thống, ẩm thực và trái cây; hội thi tạo hình trái cây; giao lưu đờn ca tài tử; đua ghe vỏ composite ĐBSCL mở rộng lần thứ 2 năm 2016…
Chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên Cao. Ảnh Duy Khương.
Qua nghiên cứu của TS Đào Ngọc Cảnh (Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Cần Thơ), khi hình thành, chợ nổi Cái Răng có hàng trăm ghe thuyền tụ hội mua bán hàng hóa rất tấp nập: ghe hàng của người Việt bán trái cây, rau củ; ghe buồm của đồng bào Khmer chở bán cà ràng (bếp bằng đất nung); nhà bè của người Hoa bán tạp hóa...
Đồng thời các ghe chở hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn, Lái Thiêu; các ghe chở lá lợp nhà, chiếu, than đước, thủy sản từ Cà Mau, Rạch Giá lên tụ họp buôn bán làm cho chợ nổi thêm sung túc, phong phú.
Khi mới hình thành, Chợ nổi Cái răng nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông (Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé), liền kề với chợ Cái Răng trên bờ. Đến thập niên 90 của thế kỉ XX, do trở ngại về giao thông đường thủy, chợ nổi được di dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ trên 1 km. Hiện tại, Chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái răng khoảng 600m với diện tích mặt nước khá rộng lớn, thuận lợi cho hoạt động của chợ nổi: chiều rộng chiếm luồng ngang sông trung bình 100-120m, chiều dọc sông khoảng 1300-1500m. Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu - kênh xáng Xà No nên rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng ĐBSCL.
Theo Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cách đây vài chục năm, mật độ nhóm họp chợ nổi Cái Răng từ 500 – 600 tàu, ghe. Nhưng đến nay, chợ nổi chỉ còn khoảng 350 - 400 tàu, ghe. Soạn giả Nhâm Hùng (TP Cần Thơ) nhận định: “Về lý thuyết, nếu mỗi năm chợ nổi giảm 20 - 30 tàu, ghe thì đến năm 2035, 2040 chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất. Hơn nữa, tình trạng người dân trên ghe, thuyền thường xuyên xả rác xuống sông gây ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề cần được giải quyết”.
Để giữ gìn “hồn” cho chợ nổi cũng như giải quyết vấn nạn môi trường, lãnh đạo TP Cần Thơ đã giao Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ lập phương án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”. Vừa qua, Thành uỷ TP Cần Thơ đã thông qua phương án “giữ nguyên hiện trạng, có sắp xếp, điều chỉnh lại chợ nổi”.
Phương án này có tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng, trong đó 13 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của thành phố, còn lại là vốn xã hội hóa. Theo đó, sẽ lắp đặt các phao tiêu giới hạn ghe thuyền neo đậu, thành lập ban quản lý chợ nổi Cái Răng, xây dựng cầu tàu chợ nổi, nhà vệ sinh công cộng, du thuyền.
Sưu tầm