Cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, thu phí tác quyền âm nhạc ti vi trong khách sạn, thay đổi mô hình hoạt động của Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, những động thái của Bộ VHTTDL liên quan đến chấn chỉnh tình trạng “loạn” danh hiệu trong lĩnh vực di sản… là những nội dung chính được báo giới quan tâm tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2017 do Bộ VHTTDL tổ chức vào chiều qua, 10.10.
Bộ VHTTDL đặc biệt quan tâm và luôn có những chỉ đạo nhằm điều chỉnh những vấn đề bất cập của việc cổ phần hoá VFS
Yêu cầu chấn chỉnh phát ngôn của lãnh đạo VFS
Khởi màn những vấn đề được dư luận quan tâm là nội dung về quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa.
Chủ trì họp báo, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ VHTTDL cho hay, xung quanh những câu chuyện lùm xùm liên quan đến cổ phần hoá VFS trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ VHTTDL đặc biệt quan tâm và luôn có những chỉ đạo nhằm điều chỉnh những vấn đề bất cập. “Cho đến sáng nay 10.10, tôi mới nhận được quyết định thanh tra từ Thanh tra Chính phủ.
Theo kế hoạch, ngày 13.10 Chính phủ sẽ có buổi công bố quyết định thanh tra; sau đó Thanh tra Chính phủ mới chính thức làm việc. Bộ VHTTDL đã sẵn sàng các tài liệu, thông tin để cung cấp cho đoàn thanh tra. Sau khi có kết luận thanh tra chính thức, Bộ VHTTDL sẽ thông tin đầy đủ, chi tiết những nội dung mà báo chí quan tâm”, ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi: “Bộ VHTTDL có động thái gì trước những bức xúc của các nghệ sĩ VFS khi Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Vận tải Thủy Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên đã có những lời lẽ không hay, đặc biệt đối với nghệ sĩ Quốc Tuấn?”, ông Nguyễn Thái Bình chia sẻ, những va chạm đến mức gay gắt giữa lãnh đạo của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam và các nghệ sĩ của VFS trong những ngày qua không chỉ là sự quan tâm của dư luận mà còn là vấn đề khiến lãnh đạo Bộ vô cùng trăn trở.
Những phát ngôn không đúng chuẩn mực của lãnh đạo và sự bức xúc của các nghệ sĩ đang là nguyên nhân khiến đôi bên ngày càng khó tìm được tiếng nói chung. Bộ VHTTDL mà trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chỉ đạo với mong muốn đôi bên cùng xích lại gần nhau, có tiếng nói chung để cùng vực dậy sức sống của VFS, chiếc nôi của nền điện ảnh nước nhà.
“Tuy nhiên, về phía các nghệ sĩ cũng cần phải nghiêm túc thực hiện theo các quy định của nhà quản lý và doanh nghiệp. Bộ VHTTDL đã chỉ đạo lãnh đạo của Công ty cổ phần cùng với việc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành thì cần triển khai ngay những giải pháp để vừa ổn định, vừa phát triển. Sau buổi họp báo này, Bộ VHTTDL cũng sẽ thông qua các đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần để đề nghị lãnh đạo công ty quan tâm hơn nữa đến những tâm tư, nguyện vọng của nghệ sĩ; điều chỉnh những phát ngôn cho phù hợp, tránh gây bức xúc đối với các cán bộ, nhân viên và văn nghệ sĩ như sự việc đáng tiếc vừa xảy ra…”, ông Nguyễn Thái Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL chủ trì buổi họp báo
Tiếp tục yêu cầu VCPMC làm việc theo đúng pháp luật
Một vấn đề khác gây bức xúc trong dư luận thời gian qua cũng đã được nhiều cơ quan báo chí quan tâm là việc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi tại các khách sạn.
Trước sự việc này, tháng 5.2017, Cục Bản quyền tác giả đã làm việc với Trung tâm và yêu cầu dừng lại việc thu phí tác quyền cho đến khi đạt đủ ba điều kiện: VCPMC chỉ được phép đưa ra biểu mức tiền quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc của thành viên; VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc nào được khai thác, sử dụng của tác giả/ chủ sở hữu là hội viên của VCPMC; VCPMC phải xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng, sau đó tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ VHTTDL.
Cho đến nay, phía VCPMC chưa đáp ứng được yêu cầu trên song Trung tâm này vẫn tuyên bố tiếp tục thực hiện thu tiền bản quyền âm nhạc qua ti vi tại các khách sạn từ đầu tháng 10. Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho hay: “Cục đã tiếp tục làm việc với VCPMC vào ngày 18.8. Chúng tôi cũng đã có các văn bản tiếp tục nhắc nhở Trung tâm phải làm việc, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Cục Bản quyền tác giả cũng sẽ có buổi làm việc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cơ quan chủ quản của Trung tâm. Sau khi có những nội dung chi tiết từ buổi làm việc này, Cục sẽ thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí…”.
Tại họp báo, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Nguyễn Thái Bình và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ cũng đã trực tiếp giải đáp những câu hỏi của báo chí liên quan đến một số vấn đề “nóng” khác như: thay đổi mô hình hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, những động thái của Bộ VHTTDL liên quan đến chấn chỉnh tình trạng “loạn” danh hiệu trong lĩnh vực di sản…
Ông Lâm Văn Khang, Q. Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, hiện một số cơ quan báo chí đang có những cách hiểu chưa chính xác về nội dung thay đổi mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. “Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về mô hình quản lý và tổ chức hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nêu rõ, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam nếu tiếp tục theo mô hình hiện tại sẽ khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, không thể có đột phá trong hợp tác và triển khai hoạt động của Làng. Vì vậy cần xây dựng một mô hình mới đủ hấp dẫn với các điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công - tư, giảm triệt để bao cấp của Nhà nước…
Như vậy, không phải vì hoạt động không hiệu quả mà Làng phải chuyển đổi mô hình hoạt động như thông tin báo chí đã nêu”, ông Lâm Văn Khang khẳng định.
Các Bộ quản lý chặt chẽ việc phong tặng các danh hiệu
Liên quan đến những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL nhằm “dẹp” loạn danh hiệu và phản hồi của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trong thời gian qua, tại họp báo, Phó Chánh thanh tra Phạm Xuân Phúc cung cấp cho báo chí những thông tin mới nhất tại công văn ngày 29.9 của Văn phòng Chính Phủ gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ về việc quản lý việc chứng nhận, tôn vinh của các hội. Theo đó, Công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi xét báo cáo của Bộ VHTTDL về việc quản lý việc chứng nhận, tôn vinh của các tổ chức, tổ chức xã hội - nghề nghiệp: “Bộ VHTTDL trong phạm vi thẩm quyền xử lý dứt điểm và có văn bản trả lời kiến nghị của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam theo Công văn số 16/CV-LH ngày 27.3.2017.
Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội và việc thực hiện Điều lệ của hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội, trong đó lưu ý quản lý chặt chẽ việc công nhận, tôn vinh, phong tặng các danh hiệu theo quy định của pháp luật và điều lệ của hội; xử lý theo thẩm quyền đề nghị, phản ánh của các hội, không chuyển công việc thuộc thẩm quyền xử lý lên cấp trên”.
Theo Bảo Ngân; ảnh: Trần Huấn
baovanhoa.vn