Cập nhật: 31/10/2017 10:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 505/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tiến độ đàm phán các dự án vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); đánh giá tác động của các khoản vay ODA và vốn vay ưu đãi lên nợ công giai đoạn 2018-2020. 

 

Một dự án có nguồn vốn ODA. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận nhìn chung, các dự án ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ đã được sử dụng hiệu quả và có đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Dự kiến, Việt Nam sẽ tốt nghiệp nguồn vốn ADF của ADB (vốn ODA) vào ngày 1/1/2019. Trong giai đoạn 2017-2018, Việt Nam dự kiến tiếp nhận tổng số 950,65 triệu USD từ nguồn vốn vay ADF.

Theo quy định của ADB, để có thể sử dụng hết toàn bộ số vốn nêu trên, phía ADB cần phải phê duyệt ít nhất 356,5 triệu USD vốn ADF (tương ứng 37,5%) trong năm 2017, số còn lại được sử dụng trong năm 2018.

Để đạt được điều kiện trên, các chương trình dự án đã được cấp thẩm quyền chủ trương đầu tư, đáp ứng điều kiện theo quy định cần được đàm phán trong đầu tháng 11/2017 để kịp tiến độ phê duyệt của ADB

Thông báo đề cập trong thời gian qua, một số chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng còn vướng mắc về thủ tục thẩm định, đánh giá tác động của khoản vay lên nợ công, chưa thống nhất giữa các cơ quan trong chủ trương đàm phán, ký kết Hiệp định vay với các nhà tài trợ.

Để huy động và sử dụng hiêu quả nguồn vốn ADF ưu đãi mà ADB phân bổ cho Việt Nam trước khi tốt nghiệp nguồn vốn này từ năm 2019 và xử lý những vướng mắc trong phê duyệt giải ngân các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thể cho các cơ quan liên quan.

Với 5 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi do ADB tài trợ tài khóa 2017, tiến độ đàm phán, ký kết đối với 3 Dự án “Cơ sở hạ tầng cơ bản cho Tăng trưởng toàn diện các tỉnh Đông Bắc và Dự án “Cơ sở hạ tầng cơ bản cho tăng trưởng toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị” và Dự án "Chương trình phát triển đô thị loại II (các đô thị xanh)”, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiệu thủ tục để kịp đàm phán, ký kết các Hiệp định của 3 dự án này, đảm bảo kịp thời tiến độ và đạt tỷ lệ phê duyệt của ADB (37,5%) nhằm tận dụng hết các khoản vay vốn ADF ưu đãi.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương án sử dụng vốn ADF của các dự án khác chậm triển khai và phải hủy để thay thế cho nguồn vốn OCR của các dự án trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 20/11/2017.

Để giảm dư nợ ngân sách nhà nước cho các địa phương tham gia dự án “Cơ sở hạ rầng cơ bản cho tăng trưởng toàn diện các tỉnh Đông Bắc và “Cơ sở hạ tầng cơ bản cho tăng trưởng toàn diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị," Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định trong tháng 12/2017 về việc chuyển nợ trong Dự án năng lượng nông thôn II (RE II) tại các tỉnh đã hoàn thành bàn giao tài sản cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng yêu cầu bộ này chủ trì tổng hợp, rà soát, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2018 để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trình trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với khoản vay của 3 Dự án nêu trên và các dự án sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi cần thiết khác theo quy định; bảo đảm không vượt trần nợ công, nợ Chính phủ, chỉ tiêu bội chi ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt.

Về các chương trình và hỗ trợ ngân hàng gồm "Chương trình Phát triển ngành tài chính và tài chính toàn diện-Tiểu chương trình 1," "Chương trình nâng cao chất lượng chi tiêu công," vay vốn ADB và chương trình vay dựa trên chính sách phát triển về quản lý tài khóa, vây vốn Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Tài chính đề xuất phương án và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về huy động nguồn lực trong nước với lãi suất hợp lý hơn vay vốn OCR của ADB, IBRD của WB với tổng vốn vay là 582,7 triệu USD (để bù đắp nguồn vốn trong nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê duyệt).

Riêng Dự án "Đầu tư lưới điện truyền tải, phân kỳ 4," Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính về chủ trương thực hiện Dự án theo phương thức tự vay, tự trả.

Về báo cáo hạn mức vay, báo cáo tác động các khoản vay ODA và vốn vay ưu đãi lên nợ công và định hướng thu hút, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020, Thủ tướng giao Bộ tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Báo cáo hạn mức vay nợ ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020 (trong đó nghiên cứu khả năng tái cơ cấu nợ công nhằm tăng dư địa cho vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi đối với các Bộ ngành, địa phương).

Tại Thông báo nêu rõ, Bộ Tài chính được giao báo cáo đánh giá tính ưu đãi, sự phù hợp của nguồn vốn vay OCR của ADB, IBRD của WB so với các nguồn vốn khác huy động trong nước. Báo cáo này cần được hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 20/11/2017

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thông nhất về số liệu và hoàn chỉnh Báo cáo tác động lên nợ công đối với các loại dự án (đã ký Hiệp định nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; đã đàm phán; đã phê duyệt chủ trương đầu tư) theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2684/VPCP-QHQT ngày 6/9/2017 của Văn phòng Chính phủ; đề xuất kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/11/2017.

Bộ cần thúc đẩy tiến độ để hoàn thiện Báo cáo cập nhật định hướng thu hút ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020 theo hướng chỉ vay vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi cho đầu tư phát triển, lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu và cần thiết, không vay cho chi thường xuyên và tăng cường năng lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần cân nhắc kỹ một số chương trình, dự án lĩnh vực y tế, giáo dục; khuyến khích các doanh nghiệp trong nước (như trong lĩnh vực năng lượng) trao đổi, thống nhất với ADB, WB để thực hiện vay vốn theo phương thức tự vay, tự trả; trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2017.

Thông báo của Văn phòng Chính phủ chỉ rõ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và ADB tiếp tục rà soát, cập nhật tiến độ chuẩn bị dự án, xem xét điều chỉnh phần vốn ADF của các dự án chuẩn bị chậm tiến độ, chưa thực sự quan trọng, cấp bách để điều chuyển cho các chương trình, dự án có tiến độ chuẩn bị tốt hơn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Việc này nhằm đảm bảo tận dụng hết nguồn vốn ADF trước khi Việt Nam tốt nghiệp vốn ADF của ADB (ngày 1/1//2019)./.

Theo (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-von-vay-uu-dai-tu-cac-nha-tai-tro-duoc-su-dung-hieu-qua/472998.vnp

Tệp đính kèm