Để có một đôi mắt sáng đẹp và phòng tật khúc xạ ở lứa tuổi học đường, chuyên gia y tế khuyến cáo về chế độ học tập, vui chơi ngoài trời để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần, nhìn xa hợp lý.
Nên cho trẻ đi khám kiểm tra mắt 6 tháng/lần tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Ảnh: VGP/Thế Anh
Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Opthalmology của Viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, ước tính vào năm 2050, khoảng 49,8% dân số thế giới tức hơn 4 tỷ người có thể mắc các tật về khúc xạ. Điều đáng lo ngại là trong số này, có thể có đến gần 1 tỷ người có tỉ lệ cận thị cao dẫn đến thoái hóa bán phần sau nhãn cầu và mất thị lực. Tình trạng mất thị lực do cận thị cao được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050. Và cận thị có nguy cơ thành nguyên nhân gây khiếm thị hàng đầu trên thế giới.
Tại Việt Nam, tỉ lệ cận thị trong giới học sinh đang được ước tính khoảng 30%. Cá biệt ở một số trường chuyên, lớp chọn…, số học sinh bị dị tật khúc xạ chiếm đến 60%. Nếu so sánh, trẻ em ở khu vực thành thị trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi có tỉ lệ mắc tật khúc xạ từ 25% đến 40%, tại khu vực nông thôn tỉ lệ này là từ 10% đến 15%.
Theo BSCK II. Lê Việt Sơn, Trưởng Khoa Mắt, bệnh viện Bạch Mai, tỉ lệ tật khúc xạ đang tăng cao, đặc biệt ở trẻ em trong lứa tuổi đến trường. Có 3 loại tật khúc xạ mà lứa tuổi học đường hay mắc phải là cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị là tật khúc xạ học đường phổ biến nhất chiếm tới 2/3 số ca mắc. Tật khúc xạ học đường chủ yếu tập trung ở các đô thị, nhất là khu vực nội đô của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Các loại tật khúc xạ
Cận thị là tật khúc xạ phổ biến hiện nay, đặc biệt ở trẻ em đang trong độ tuổi đến trường. Khi bị cận thị người bệnh nhìn xa thì mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ nhờ vào chức năng điều tiết của mắt (trừ khi cận thị quá nặng). Nếu cận thị nặng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, nếu để bệnh biến chứng nặng, có thể bị thoái hóa võng mạc, bong võng mạc dẫn đến mù lòa.
Viễn thị là khi nhìn xa rõ hơn nhìn gần, bệnh thường gặp ở tuổi bắt đầu học cấp 1. Viễn thị thường gây nhược thị và có thể là yếu tố gây ra lác điều tiết nên cần phải được phát hiện và điều trị sớm. Với biểu hiện, trẻ đọc sách hay nhìn gần bị mỏi mắt, nhức mắt, nhức đầu, cố gắng nhìn lâu có thể bị đỏ mắt. Mắt có khuynh hướng quay vào trong gây lác trong. Nếu có các triệu chứng này, cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt.
Loạn thị là khi nhìn xa hay gần đều mờ, do bán kính cong của giác mạc (thường gọi là lòng đen) không đều gây mờ ở mọi khoảng cách tầm nhìn. Loạn thị thường xuất hiện lúc mới sinh và có thể xảy ra kết hợp với cận thị hoặc viễn thị. Các dấu hiệu và triệu chứng của loạn thị cũng giống như tật khúc xạ nói chung: mờ mắt; mỏi mắt; nhức đầu… đặc biệt trẻ bị loạn thị thường hay đọc nhầm chữ X với chữ Y, chữ L với chữ D, chữ F, chữ E....nên ảnh hưởng nhiều đến học tập.
BSCK II. Lê Việt Sơn cho biết, có 2 nhóm nguyên nhân chính gây tật khúc xạ là bẩm sinh và mắc phải. Nguyên nhân bẩm sinh thường do yếu tố di truyền và giống người. Nguyên nhân mắc phải thường do quá trình sinh hoạt, học tập, làm việc và các thói quen không hợp lý như: Tư thế ngồi sai, điều kiện ánh sáng, bàn ghế không phù hợp, thói quen đọc sách, chơi điện tử, xem tivi, sử dụng vi tính không hợp lý…
Phòng tật khúc xạ tuổi học đường thế nào?
Để phòng tránh tật khúc xạ tuổi học đường, BS Lê Việt Sơn khuyến cáo phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ 1 giờ phải nghỉ 10-15 phút. Xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.
Nơi học tập bảo đảm đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần của sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm. Tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 cm với cấp tiểu học, 30 cm với cấp trung học cơ sở và 35 cm với học sinh trung học phổ thông. Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen hoặc giấy quá trắng, quá bóng.
Cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ từ 8 – 10 tiếng một ngày; dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt mỗi 6 tháng/lần tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.
Theo Hiền Minh/ Chinhphu.vn