Cập nhật: 05/11/2017 11:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng 3-11, Cục Y tế dự phòng đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân khu vực phía bắc năm 2017 - 2018. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương phải tăng cường giám sát, dự phòng và đáp ứng dịch một cách chủ động để không xảy ra các dịch bệnh dễ bùng phát trong mùa đông xuân này.

TS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng ban Quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng khu vực miền bắc báo cáo tại hội nghị.

Cảnh giác cao trước các dịch bệnh truyền nhiễm

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long Việt Nam cho biết, Việt Nam đã thực hiện kiểm soát và khống chế khá tốt những bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt là ngành y tế đã rất nỗ lực trong việc khống chế dịch bệnh H7N9 suốt năm năm qua. Mặc dù Việt Nam ở ngay sát các ổ dịch bệnh và bùng phát mạnh với năm vụ dịch lớn tại Trung Quốc vào những tháng đông xuân, nhưng Việt Nam đã kiểm soát không có trường hợp nào cúm này xâm nhập vào Việt Nam. Bên cạnh đó, dịch cúm H5N1 mặc dù có xuất hiện tại Việt Nam nhưng không ghi nhận trường hợp mắc nào trên người.

“Mùa đông xuân đến là thời điểm của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, cần phải tiếp tục cảnh giác. Nếu không quyết liệt để cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam rất đáng quan ngại” – Thứ trưởng chỉ đạo.

Một dịch bệnh “nóng” toàn ngành y tế những ngày tháng 7, 8 vừa qua là sốt xuất huyết đã được kiểm soát và giảm nhẹ. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận 156.716 ca mắc với 132.505 ca nhập viện, 30 trường hợp tử vong. Số mắc gia tăng từ đầu tháng năm đến cuối tháng 8-2017. Nhưng từ tuần đầu tháng chín đến nay, số mắc giảm liên tục ở hầu hết các tỉnh, thành phố, từ 8.280 trường hợp mắc/tuần xuống còn 3.239 trường hợp mắc/tuần.

Cục trưởng Trần Đắc Phu nhận định, “Hiện nay, các dịch bệnh mới nổi, bệnh nguy hiểm không xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh có vắc xin tiếp tục được khống chế hiệu quả; Bệnh tay chân miệng tăng nhẹ trên cả nước, nhưng giảm nhẹ tại khu vực miền bắc. Chúng ta giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh”.

Tuy nhiên, mùa đông xuân là mùa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm hay gặp như cúm, ho gà, viêm não virus, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, tay chân miệng, liên cầu lợn… Vì thế, Cục Y tế dự phòng đề nghị các đơn vị thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh; giám sát và phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài. Bên cạnh đó, rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung và tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường, đặc biệt đối với bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm não.

Không để xảy ra dịch sởi như năm 2014

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tình hình bệnh sởi tuy chưa có gì đáng quan ngại nhưng các địa phương cũng cần hết sức lưu ý, tránh lơ là. Tích lũy từ đầu năm đến nay có 229 trường hợp mắc, một người tử vong (cháu bé có kèm bệnh nền mắc tim bẩm sinh). Tính đến nay, số trường hợp mắc sởi giảm 27,9% so với năm 2016 nhưng trong hai tháng gần đây, có ghi nhận số mắc tăng nhẹ tại Hà Nội.

TS, BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tại Hà Nội, tích lũy từ đầu năm đến nay có 45 ca mắc, một trường hợp tử vong. Bệnh sởi mắc rải rác tại 21 quân, huyện và có xu hướng tăng trong các tuần gần đây với trung bình là 4-5 bệnh nhân/tuần. Hà Nội chiếm 50% số ca mắc sởi tại các tỉnh phía bắc.

Theo thống kê từ năm 2012-2016, tổng số trẻ chưa tiêm sởi là khoảng trên 32 nghìn cháu. Vì thế, Hà Nội sẽ rà soát đối tượng tiêm chủng trên toàn thành phố trong tháng 11-2017 với tất cả các trẻ dưới năm tuổi. Đồng thời, sẽ tổ chức tiêm chủng bổ sung hàng tuần cho đối tượng trẻ dưới năm tuổi bị muộn, chậm so với lịch tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng.

Năm 2017, Hà Nội đã thực hiện tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại các trạm y tế tại hai quận Long Biên, Hai Bà Trưng và từ 1-1-2018 sẽ triển khai thực hiện tại các trạm y tế.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế có chỉ đạo toàn quốc tập trung tăng cường phòng chống dịch, trong đó có bệnh sởi. Sởi là bệnh có thể phòng bằng tiêm chủng vắc xin, nhưng hiện nay vẫn còn những “vùng lõm” về tiêm chủng mở rộng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bài học từ năm 2014 dịch sởi trên toàn quốc là bài học quý giá để toàn ngành y tế có được những biện pháp phòng tránh dịch bệnh từ ban đầu.

Thứ trưởng yêu cầu “Với các trường hợp xảy ra hoãn tiêm do chỉ định tại các cơ sở thì cần phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên (như trẻ suy tim, trẻ mắc các bệnh lý khác bị chống chỉ định tiêm chủng) để có đủ điều kiện tiêm cho các cháu. Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện tổ chức tiêm chủng cho các bé không tiêm chủng tại tuyến cơ sở khá tốt để bảo đảm các trẻ được bảo vệ bằng vắc xin”.

TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng ban Quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng khu vực miền bắc cho biết, năm nay, Bộ Y tế yêu cầu đạt trên 95% tỷ lệ tiêm chủng 8 loại vắc xin cho trẻ dưới một tuổi. Tuy nhiên, tại miền bắc, chín tháng qua ghi nhận có 17/322 (5%) huyện có tỷ lệ tiêm chủng thấp, khả năng chỉ đạt tỷ lệ 80% tiêm chủng mở rộng trong năm 2017, không đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế.

Mặc dù biện pháp chủ yếu để phòng chống bệnh sởi là tiêm vắc xin phòng bệnh, nhưng đến nay cũng vẫn còn 13/322 (4%) huyện có tỷ lệ tiêm vắc xin sởi thấp. “Các tỉnh này cần phải rà soát, đốc thúc để thực hiện tiêm chủng mở rộng, tránh được những dịch bệnh lây truyền trong mùa đông xuân này, nhất là bệnh sởi” – ông Thái nhấn mạnh.

Để không xảy ra tình trạng dịch như năm 2014, ngành y tế đã phối hợp cùng ngành giáo dục để tuyên truyền, triển khai các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại trường hợp, rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh để đưa con mình đi tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ.

 

Theo THIÊN LAM/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm