Ngày 17/11, Đoàn đại biểu Hội Nhà văn Trung Quốc do nhà lý luận phê bình văn học Lý Kính Trạch, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc làm Trưởng đoàn sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)
Tiếp đoàn về phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam.
Tại sự kiện, nhà văn Lý Kính Trạch thông báo tình hình văn học Trung Quốc nói chung, đặc biệt là công tác lý luận phê bình văn học ở Trung Quốc hiện nay; đồng thời trao đổi về phương pháp sáng tác, về phát triển đội ngũ các nhà lý luận phê bình của Trung Quốc. Các nhà văn hai nước cùng nhau trao đổi để tìm cách giới thiệu văn học Việt Nam sang Trung Quốc nhiều hơn, đặc biệt chú trọng giới thiệu văn học đương đại của Việt Nam.
Nhà thơ Hữu Thỉnh ghi nhận Trung Quốc có một nền văn hóa lớn, lâu đời, nổi tiếng trên thế giới. Nhiều tác phẩm kinh điển của văn học Trung Quốc đã được dịch sang tiếng Việt rất sớm. Các tác phẩm này giúp bạn đọc nhiều thế hệ Việt Nam hiểu rõ giá trị, tinh hoa của văn hóa, cũng như văn học Trung Hoa. Hội Nhà văn Việt Nam hết sức trân trọng những giá trị của thơ Đường, tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc.
Bước vào thời kỳ cải cách, mở cửa, văn học Trung Quốc được dịch, cập nhật rất nhanh tại Việt Nam. Nhiều tác phẩm ưu tú được nhận giải thưởng Mao Thuẫn, Lỗ Tấn... được bạn đọc Việt Nam đón nhận, yêu mến. Việt Nam cũng đã được đón tiếp rất nhiều tên tuổi lớn của văn học Trung Quốc đương đại như nhà văn, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc Vương Mông; nhiều nhà văn nổi tiếng như Trương Quý, Trịnh Bá Đông...
Gần đây nhất, chuyến thăm của Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc Thiết Ngưng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Mỗi chuyến thăm của đoàn đại biểu nhà văn Trung Quốc đều mang đến cho các nhà văn Việt Nam nhiều bài học quý báu về văn học trong cải cách, mở cửa, hội nhập quốc tế.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Hội Nhà văn Việt Nam đã cử rất nhiều đoàn đến thăm, làm việc tại Trung Quốc; được Hội Nhà văn Trung Quốc, các hội văn học nghệ thuật địa phương đón tiếp nồng nhiệt. Điều này góp phần thắt chặt, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị và giao lưu hợp tác giữa hai Hội Nhà văn Việt Nam-Trung Quốc. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị, trong thời gian tới hai Hội Nhà văn Việt Nam-Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động dịch thuật văn học, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển văn học dịch ở Việt Nam cũng như Trung Quốc.
Thay mặt Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, nhà lý luận phê bình Lý Kính Trạch cho biết đoàn đã tới thăm Thành phố Hồ Chí Minh và cảm nhận được tình cảm, sự tiếp đón nồng nhiệt của người dân Việt Nam.
Phó Chủ tịch hội Nhà văn Trung Quốc cho rằng, mỗi chuyến đi của đoàn nhà văn Trung Quốc tới Việt Nam đều là một chuyến đi ý nghĩa, góp phần nối dài mối quan hệ truyền thống về văn học giữa hai quốc gia. Ông rất vui mừng khi biết nhiều tác giả, tác phẩm của Trung Quốc đã được dịch sang tiếng Việt, được yêu mến, đón nhận; đồng thời nhấn mạnh thông qua văn học, hai nước Trung Quốc và Việt Nam thêm gần gũi, góp phần thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa cũng như tăng cường mối quan hệ giữa hai Hội Nhà văn Trung Quốc và Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc hy vọng các chuyến thăm, các buổi giao lưu về văn học giữa hai Hội sẽ được tiếp tục tổ chức. Trong đó, hai bên có thể trao đổi nhiều hơn nữa những vấn đề về trách nhiệm với văn học mỗi quốc gia, khu vực, làm bật lên tiếng nói của văn học châu Á. Đáp lại mong muốn của độc giả Trung Quốc được tiếp cận nhiều hơn nữa với các tác phẩm văn học của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc cho biết Hội Nhà văn Trung Quốc sẽ tăng cường thúc đẩy hơn nữa việc biên dịch, xuất bản các tác phẩm văn học của Việt Nam sang Trung Quốc./.
Theo MỸ BÌNH (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/viet-namtrung-quoc-tang-cuong-hop-tac-phat-trien-van-hoc/475858.vnp