Lễ kỷ niệm 100 năm Thư viện Quốc gia Việt Nam (29/11/1917-29/11/2017) đã diễn ra ngày 28/11 tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tới dự và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động Thư viện Quốc gia Việt Nam; Huân chương Lao động hạng Ba cho một số cá nhân đã có thành tích đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Phó Chủ tịch nước đã tặng tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thư viện Quốc gia Việt Nam bức tranh Phủ Chủ tịch - nơi làm việc và sinh sống của Bác Hồ lúc sinh thời.
Đến dự và chia vui với các thế hệ cán bộ, người lao động Thư viện Quốc gia còn có ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, bạn bè quốc tế…
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh gửi lẵng hoa chúc mừng Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh 100 năm là một chặng đường có ý nghĩa, là sự kiện, dấu ấn đáng nhớ, qua đó chúng ta nhìn lại chặng đường vẻ vang, đáng tự hào của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong công cuộc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Từ khi được thành lập cho đến nay, mỗi thành công của Thư viện Quốc gia Việt Nam đều có dấu ấn, công sức, nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, người lao động. Phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong quá trình hoạt động 100 năm qua.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ chặng đường phía trước của Thư viện Quốc gia Việt Nam còn nhiều cơ hội mới, nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn, đòi hỏi tập thể lãnh đạo, người lao động Thư viện Quốc gia Việt Nam phải tiếp tục đoàn kết một lòng, đổi mới công nghệ, giữ gìn, phát huy hơn nữa thương hiệu là lá cờ đầu trong ngành thư viện Việt Nam, thực hiện sứ mệnh là thư viện trung tâm của cả nước, phát huy vai trò trong trong cộng đồng thư viện khu vực và hợp tác quốc tế...
Tại buổi lễ, các thế hệ lãnh đạo, công chức, người lao động qua các thời kỳ đã ôn lại những chặng đường vẻ vang của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong 1 thế kỷ qua.
Thành lập ngày 29/11/1917, Thư viện Quốc gia Việt Nam có tiền thân là Thư viện Trung ương Đông Dương. Khi mới thành lập, Thư viện hoạt động trên cơ sở mô hình tổ chức nghiệp vụ, kỹ thuật của Thư viện Pháp.
Việc xây dựng vốn tài liệu của Thư viện ngay từ đầu đã được quan tâm và định hướng xây dựng một thư viện bách khoa gồm sách tốt nhất về văn học, nghệ thuật và khoa học, tập hợp tài liệu về Đông Dương cung cấp cho người đọc.
Đến nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã trở thành thư viện có vốn tài liệu lớn nhất trong cả nước, với tổng số trên 2,5 triệu đơn vị tư liệu, trong đó, Thư viện đang lưu giữ một số bộ sưu tập tư liệu quý từ thế kỷ 17 đến nay.
Những năm gần đây, đơn vị đã phát triển đa dạng những tài liệu mới, xây dựng bộ sưu tập tài liệu số với trên 5.000.000 trang tài liệu do Thư viện Quốc gia Việt Nam tự tạo lập. Các tư liệu này đã, đang được lưu giữ và phổ biến rộng rãi tới cộng đồng bạn đọc trong nước và nước ngoài. Tính trung bình mỗi ngày, Thư viện phục vụ trên 2.000 lượt bạn đọc đến nghiên cứu, học tập, giải trí tại trụ sở thư viện và trên 6.500 lượt bạn đọc truy cập trực tuyến qua website của Thư viện.
Thư viện đã và đang nỗ lực phát triển đa dạng dịch vụ cho các nhóm đối tượng, tổ chức được nhiều phòng đọc có không gian mở, không gian phức hợp, tiện nghi, hiện đại, thiết kế phù hợp nhiều nhu cầu khác nhau từ đọc sách, học tập, làm việc nhóm, trải nghiệm văn hóa...
Trong 100 năm qua, việc vận hành, quản lý, tổ chức hoạt động và chức năng, nhiệm vụ của Thư viện có thay đổi theo từng giai đoạn để phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Song từ ngày thành lập đến nay, Thư viện Quốc gia Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng trong việc thu thập, bảo quản, lưu giữ lâu dài kho tri thức của quốc gia.
Thư viện Quốc gia Việt Nam không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức phục vụ bạn đọc; nghiên cứu khoa học và tiên phong trong tổ chức nghiệp vụ thư viện trong nước; đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện./.
Theo THANH GIANG (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-ky-niem-100-nam-thanh-lap-thu-vien-quoc-gia-viet-nam/477298.vnp