Việt Nam có tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV cao hơn tỷ lệ chung toàn thế giới. Việt Nam cũng đã đạt kết quả giảm đáng kể tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con... là những thành tựu trong công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2017. Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn còn rất nhiều thách thức tại Việt Nam.
Giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Trong chín tháng đầu năm, cả nước phát hiện mới 6.883 người nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS 3.484 người, số người nhiễm HIV tử vong 1.260 người. Ước tính cả năm 2017 sẽ có khoảng 9.800 người nhiễm HIV mới được phát hiện và có khoảng 1.900 người nhiễm HIV tử vong. Lây truyền qua đường tình dục tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong những năm trở lại đây.
So với năm 2016, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 1,1%, số bệnh nhân AIDS giảm 39% và người nhiễm HIV tử vong giảm 10%.
Tại Việt Nam đến hết tháng 8-2017, đã có 121.399 người đang điều trị ARV trên tổng số khoảng 209.000 người sống chung với HIV chiếm 58,1% . Như vậy, Việt Nam có tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV cao hơn tỷ lệ chung toàn thế giới.
Song song với việc tăng nhanh độ bao phủ số người nhiễm HIV được điều trị, Việt Nam nằm trong tốp đầu các quốc gia áp dụng các khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới.
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được thúc đẩy mạnh trong nhiều năm trở lại đây, với các hoạt động từ truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đến cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ tuyến Trung ương đến tuyến cơ sở...
“Chúng ta đã làm giảm đáng kể tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, có địa phương tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 5%. Nếu không được dự phòng thì tỷ lệ này khoảng 36-40%...” – Phó Cục trưởng cho biết.
Theo đó, trong chín tháng đầu năm 2017, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm là 982.073 lượt người và phát hiện nhiễm HIV cho 832 phụ nữ mang thai, khoảng 53% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được xét nghiệm trong thời kỳ mang thai, 47% phụ nữ mang thai phát hiện trong thời kỳ chuyển dạ.
Công tác điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con cho khoảng 1.407 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong số đó khoảng 844 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV trước khi có thai. Tổng số trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV là 1,261 trẻ được tiếp tục điều trị dự phòng ARV. Trong số 808 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm trong vòng hai tháng sau sinh, có 15 trẻ được xét nghiệm HIV dương tính, tỷ lệ dương tính là 1,87%.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa bảo đảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
TS Hoàng Đình Cảnh nhận định, hiện nay, vấn đề cần được quan tâm là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.
Cụ thể, bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và vẫn tiếp tục cắt giảm. Công tác điều trị Methadone mới chỉ đạt được 65,7% chỉ tiêu Chính phủ giao; điều trị ARV mới đáp ứng được 58,1% số người nhiễm HIV được phát hiện. Đặc biệt, công tác phòng chống HIV/AIDS còn rất khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Trong những năm gần đây, công tác phòng chống HIV/AIDS còn gặp nhiều khó khăn khi kinh phí từ ngân sách nhà nước liên tục bị cắt giảm nên những tỉnh không có dự án quốc tế tài trợ thiếu hụt kinh phí trầm trọng cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, ở khu vực này chủ yếu là cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thụ động tại các bệnh viện.
TS Hoàng Đình Cảnh cho biết, nếu không huy động đủ kinh phí cho hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, bao gồm truyền thông, can thiệp bằng bao cao su, bơm kim tiêm cho nhóm có hành vi nguy cơ cao, điều trị thay thế nghiện ma túy, xét nghiệm chẩn đoán HIV, nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS...v.v, thì mục tiêu phòng chống HIV/AIDS sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguy cơ dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại.
“Dự kiến trong thời gian từ năm 2018, các tổ chức quốc tế sẽ cắt giảm việc tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và chỉ hỗ trợ chúng ta về kỹ thuật. Do vậy, các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt việc bảo đảm điều trị cho bệnh nhân AIDS sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Việc này đòi hỏi phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân sang hệ thống điều trị thanh toán qua Bảo hiểm y tế (BHYT). Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn là rào cản cho những người có nhu cầu tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT...” – Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh cho biết.
BHYT được Chính phủ xác định là giải pháp bền vững cho việc bảo đảm điều trị HIV/AIDS nói chung và điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV. Hiện nay, độ bao phủ BHYT trong bệnh nhân tham gia điều trị thuốc kháng HIV tăng lên từ 64% (2-2017) lên 76% (6-2017) và 82% (9-2017). Có sáu tỉnh đạt mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT (Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn) và có tới 23 tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị hơn 90%.
Tuy nhiên, còn một số ít người nhiễm HIV vẫn khó tiếp cận do họ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào hoặc lo ngại bị tiết lộ danh tính nên vẫn chưa sẵn sàng tham gia BHYT. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 296/403 cơ sở điều trị HIV (chiếm 73%) được kiện toàn, tức là đã ký được hợp đồng và sẵn sàng thanh toán các chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế nhưng vẫn còn 27% cơ sở chưa ký được hợp đồng với bảo hiểm y tế. Đây là khó khăn cho người mắc HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ mà BHYT chi trả.
Xác định còn nhiều khó khăn trước mắt, TS Hoàng Đình Cảnh cho biết, Cục sẽ nhanh chóng chuyển đổi việc định hướng từ phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang phòng, chống HIV/AIDS lồng ghép, phân cấp và dựa vào ngân sách trong nước để đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 theo Tổ chức y tế thế giới.
Theo THIÊN LAM/ nhandan.com.vn