Cập nhật: 04/12/2017 14:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên vừa chủ trì Hội thảo khoa học toàn quốc về đào tạo nhân lực du lịch theo định hướng Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị nhằm đánh giá thực trạng của nguồn nhân lực du lịch Việt Nam và đề xuất những giải pháp đồng bộ khắc phục yếu kém về nhân lực du lịch hiện nay.

Cần có hướng đào tạo toàn dân làm du lịch

Hội thảo có sự tham gia của các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, đại diện Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT; Tổng cục Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các trường đào tạo du lịch trên toàn quốc…

Ngoài 51 tham luận gửi đến Ban tổ chức, hơn 10 ý kiến thảo luận tại Hội thảo đã làm rõ thêm thực trạng vô cùng bức xúc và đề xuất các giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành và hội nhập quốc tế.

Các ý kiến tại Hội thảo nhấn mạnh, trong số các yếu tố đào tạo: kiến thức, kỹ năng và thái độ thì thái độ mới là yếu tố quyết định và lại khó dạy nhất. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng, khi đào tạo và tuyển chọn nhân lực có 3 tiêu chí lớn nhất là kiến thức, kỹ năng và thái độ nhưng thường nhân lực của chúng ta hiểu biết về pháp luật liên quan đến du lịch rất kém; ngoại ngữ cũng bập bõm. Nếu thông thạo ngoại ngữ thì lại không có kiến thức sâu về du lịch dẫn đến tình trạng đa số người làm du lịch học ngành khác.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Lương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cho biết ở các điểm “nóng” về phát triển du lịch như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc thiếu khoảng 30-50% nhân lực du lịch. Tình trạng “nhảy việc” của người lao động từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác vô cùng nan giải, gây bất ổn cho sự phát triển của cả doanh nghiệp và người lao động.

Đồng tình với ý kiến này, ông Bùi Kim Luận, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho biết thêm, hiện thiếu cả nhân lực du lịch chất lượng cao lẫn lao động phổ thông. Bên cạnh đó, việc đào tạo du lịch hiện nay lại quá nặng về lý thuyết, đào tạo ra nhưng không sử dụng được, trong khi nhu cầu của ngành là rất lớn.

Ngay từ khi ngồi ở ghế nhà trường phổ thông, cần phải dạy những kiến thức sơ đẳng, tối thiểu về du lịch, về giao tiếp, ngoại ngữ cho trẻ em thì mới có thể tạo ra môi trường văn minh, thân thiện được. Tôi đề nghị các Bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ có chính sách đào tạo toàn dân làm du lịch. (Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing, TP.HCM)

Một ý kiến được Hội thảo đặc biệt quan tâm là cần đào tạo toàn dân làm du lịch. Ý kiến này được ông Nguyễn Văn Hiến, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Marketing (TP.HCM) đưa ra vì theo ông, nếu chỉ đào tạo người làm du lịch những kiến thức, kỹ năng du lịch thôi thì chưa đủ, chưa có sức hấp dẫn khách du lịch. “Ngay từ khi ngồi ở ghế nhà trường phổ thông, cần phải dạy những kiến thức sơ đẳng, tối thiểu về du lịch, về giao tiếp, ngoại ngữ cho trẻ em thì mới có thể tạo ra môi trường văn minh, thân thiện được. Tôi đề nghị các Bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ có chính sách đào tạo toàn dân làm du lịch”, ông Hiến nói.

Cũng theo ông Hiến, nhân lực đào tạo ra nhiều nhưng không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Sự gắn kết giữa các nhà trường đào tạo về du lịch và doanh nghiệp du lịch hết sức lỏng lẻo, nhiều sinh viên đến thực tập tại khách sạn 4-5 sao không được nhận, đến các công ty lữ hành cũng không nhận. Vì thế, rất cần Hiệp hội Du lịch đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo để sản phẩm đào tạo ra phải đúng nhu cầu, sử dụng được và cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Có ý kiến cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp du lịch cũng cần phải học về nghề du lịch thì mới giám sát, chỉ đạo được cấp dưới của mình học gì, làm như thế nào.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam còn gay gắt cho rằng: “Cần chỉ rõ vai trò của các bên: Nhà nước (các Bộ, ngành), doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và Hiệp hội Du lịch trong vấn đề này. Hiện nay, Nhà nước đang rất ủng hộ, tạo điều kiện để đào tạo nguồn nhân lực du lịch tốt hơn nhưng cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc “xóa mù” nghề du lịch, trước tiên là với những người làm du lịch, sau đó là tới toàn xã hội. Không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp làm du lịch nhưng không hiểu biết gì về nghề, quy định của pháp luật về nghề du lịch hoặc hiểu biết mù mờ”.

Vừa qua Bộ GD&ĐT ban hành công văn số 4929/BGDĐT- GDĐH về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch. Chủ cơ sở đào tạo sẽ được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và mở rộng số lượng đào tạo văn bằng 2 trình độ đại học. Điều kiện bắt buộc để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế này là phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Đây là một cơ chế rất mở để đào tạo du lịch sát với thực tế, tiến tới tỉ lệ 50/50 cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch tham gia đào tạo du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Bình: “Việc chuyển hướng đào tạo 50/50 cùng tham gia với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp đã thực hiện chưa? Khi thực hiện có khó khăn gì không? Cơ sở đào tạo cũng cần phải tự xem lại chất lượng đào tạo khi nhân lực cơ sở mình đào tạo ra không được nhận vào đâu làm vì nếu chất lượng, uy tín thì doanh nghiệp còn đến tận nơi xin về. Ngành cũng cần đặt ra mục tiêu cụ thể là tổ chức dạy nghề, xóa mù nghề du lịch ở vùng sâu, vùng xa; đến năm 2020 có 80- 90% người làm du lịch phải qua đào tạo ngắn hạn”.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đề nghị các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch, các doanh nghiệp du lịch chủ động trong việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt trong cơ chế thị trường và đừng quá ỷ lại vào ngân sách nhà nước, nhanh chóng rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động. Bên cạnh đó, cần dự báo khả năng cung- cầu nguồn nhân lực du lịch trên toàn quốc và từng vùng miền, khu vực; định hướng trong công tác tuyển sinh, đầu ra; xây dựng hệ thống mã ngành, nghề đào tạo; thống nhất tiêu chí chung, giáo trình giảng dạy trong đào tạo nhân lực du lịch để có giải pháp và kế hoạch đào tạo sát thực tế, khả thi, phù hợp với thị trường.

 

Theo Thúy Hà/baovanhoa.vn

 

Tệp đính kèm