Các gia đình có con nhỏ thường rất sợ mùa đông vì trẻ dễ bị ốm. Thời tiết lạnh, ẩm, mưa thất thường là những yếu tố ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của bé.
Dạy trẻ cách rửa tay thường xuyên để phòng bệnh.
Hơn nữa, trong trời lạnh, cơ thể bé phải tiêu hao nhiều năng lượng để chống rét nên sức đề kháng kém. Cha mẹ và người thân cần biết cách chăm sóc bé đúng cách để bé khỏe mạnh trong mùa đông.
Cho trẻ đi tiêm phòng
Điều bạn cần làm đầu tiên là đưa con đi tiêm phòng cúm khi mùa lạnh đến. Đây là một trong những lời khuyên quan trọng nhất nhằm giữ cho bé nhà bạn khỏe mạnh. Không nên lơ là bệnh cúm vì nó có thể kéo theo những rắc rối khác khiến con bạn cần phải nhập viện. Do vậy, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng.
Dạy con rửa tay đúng cách
Rửa tay là hành động bảo vệ đầu tiên trong việc phòng tránh bệnh tật. Hành động rửa tay sẽ giúp ngăn chặn được các mầm bệnh có thể trở thành mối đe dọa cho con. Điều quan trọng là dạy trẻ làm thế nào để rửa tay đúng cách. Bạn cần phải chắc chắn bé có sử dụng xà phòng và chà đủ lâu. Các bác sĩ khuyến cáo nên rửa tay trong 20 giây, tương đương với khoảng gian để hát bài “Chúc mừng sinh nhật” hai lần.
Trời lạnh cũng phải tắm nắng
Trong mùa đông, suốt thời gian trong ngày, trẻ ở trong phòng kín. Có bé vài ngày không ra ngoài trời. Việc ở trong phòng lâu ngày sẽ khiến trẻ dễ ốm hơn. Trẻ cần được vận động ngoài trời để tăng khả năng thích nghi với các yếu tố thời tiết, tăng sức đề kháng, phòng tránh được nhiều bệnh dễ lây nhiễm. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, cần được ra ngoài trời tắm nắng hàng ngày để hấp thụ vitamin D, rất có lợi cho quá trình phát triển của trẻ. Thời điểm lí tưởng để mẹ cho trẻ ra ngoài đón nhận ánh nắng mặt trời vào mùa đông là vào khoảng 8 - 9h30 và buổi chiều từ 15 -17h. Tuy nhiên, khi cho trẻ chơi ngoài trời, cần lưu ý mặc quần áo đủ ấm nhưng vẫn thoáng để khi trẻ ra mồ hôi không thấy quá nóng, thường xuyên kiểm tra mồ hôi lưng để kịp thay áo cho trẻ.
Mùa đông tắm cho bé thế nào để không bị ốm?
Vào những ngày lạnh giá, nhiều người không dám tắm cho con vì sợ bé bị cảm lạnh, dễ ốm mà chỉ thay quần áo cho bé. Đây là việc làm sai vì nếu không được tắm rửa sạch sẽ thì bé rất khó chịu và quấy khóc. Vì vậy dù trời lạnh, bé cũng cần được tắm rửa sạch sẽ ít nhất 2 ngày/lần, có như thế bé mới khỏe khoắn. Nhưng khi tắm cho bé có một vài điểm mẹ cần lưu ý: Tránh tắm cho bé sớm quá hoặc muộn quá trong ngày, cũng kiêng không tắm cho bé từ 11 - 13h. Thời gian lý tưởng nhất là từ 10-10h30 hoặc từ 15-16h. Dù trời lạnh đến mức nào cũng không nên pha nước tắm cho con nóng quá. Điều này sẽ có hại cho làn da mỏng manh của bé. Nhiệt độ nước thích hợp cho trẻ tắm mùa đông là từ 33 đến 36 độ C. Khi dùng tay để thử thì người lớn cảm thấy nước đủ ấm tức là nước đó bị nóng với trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên dùng nhiệt kế để xác định nhiệt độ nước tắm thích hợp cho trẻ. Khi tắm cho trẻ cần tắm trong phòng kín gió, nếu cần thiết chuẩn bị thêm quạt sưởi và chỉ tắm tối đa trong thời gian từ 5-7 phút để tránh cảm lạnh. Lưu ý đừng để điều hòa hay quạt sưởi chĩa thẳng vào người bé. Điều này khiến con dễ bị khô da hoặc gây bỏng cho con.
Bảo vệ đường hô hấp cho bé
Mùa đông, cơ quan hô hấp thường phải tiếp xúc với không khí lạnh giá. Khi mũi gặp trục trặc, không sưởi ấm được không khí đi vào cơ thể thì cả hệ hô hấp bị ảnh hưởng. Ngạt mũi là một trong những hiện tượng phổ biến và thường hay gặp ở bé sơ sinh trong mùa lạnh do thể tích hố mũi của bé rất nhỏ. Hơn nữa, trẻ sơ sinh chưa biết thở ra bằng miệng nên ngạt mũi khiến bé khó chịu, dễ bỏ bú, quấy khóc. Có thể khắc phục tình trạng này bằng cách luôn giữ ấm cho bé, vệ sinh mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Khi bé bị ngạt mũi, chỉ nên làm thông bằng cách nhỏ nước muối sinh lý ấm, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng các thuốc nhỏ mũi khác mà chưa có ý kiến của bác sĩ. Nếu thấy bé khó thở thì cần đưa đi khám.
Khi bé có các triệu chứng ho, khò khè, xuất hiện cơn ho về đêm khi đang ngủ, đờm trắng dính…có thể bôi tinh dầu tràm vào gan bàn chân, bàn tay cho bé. Một cách khác có thể sử dụng vài giọt tinh dầu tràm thấm vào bông, cho bé hít ngửi từ 10-15 phút theo cách ngắt quãng, bằng cách đưa tinh dầu vào gần mũi bé (cách mũi 2-3cm) để hít ngửi theo nhịp thở đều và nhẹ nhàng 2-3 lần, sau đó dừng lại.
Dinh dưỡng khoa học, bổ sung năng lượng cho trẻ
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng vô cùng quan trọng để giúp trẻ tăng sức đề kháng và phòng bệnh. Để có chế độ ăn uống đảm bảo cần lưu ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, vitamin và khoáng chất để cung cấp đủ năng lượng và tăng sức đề kháng cho các bé. Cụ thể:
Chế độ ăn chứa nhiều tinh bột trong mùa lạnh là điều rất cần thiết cho trẻ. Ngoài việc bổ sung tinh bột từ cơm, gạo, mì..., có thể cho bé ăn thêm tinh bột trong khoai tây, khoai lang, bí đỏ... Đây là những loại thực phẩm giúp no lâu hơn, lại cung cấp nhiều năng lượng hơn.
Thực phẩm giàu protein có thể kích thích sản sinh nhiệt tốt hơn các thực phẩm khác. Chúng giúp cơ thể tăng nhiệt tốt hơn so với những thực phẩm chứa tinh bột hoặc chứa chất béo, vì thế chúng có khả năng giữ ấm tốt hơn. Ngoài các thành phần thịt, cá, trứng, sữa... cung cấp chất đạm, nên tăng cường các loại chất béo như: mỡ, dầu mè, dầu đậu nành. Hằng ngày, có thể bổ sung chất béo cho bé bằng cách thêm vài thìa nhỏ dầu thực vật vào món ăn (cháo, canh, món xào...).
Ngoài ra cần cho trẻ ăn nhiều rau và hoa quả giúp tăng cường hệ miễn dịch. Những đứa trẻ khỏe mạnh thường ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C (súp lơ, dâu tây, nước cam) và vitamin D (cá thu, sữa công thức và ngũ cốc). Ăn sữa chua sẽ cung cấp men vi sinh tự nhiên cũng giúp bé tăng cường hệ miễn dịch.
Trong mùa đông cũng nên duy trì thói quen uống nước cho bé, giúp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Nếu không được cung cấp đủ nước sẽ dẫn đến một số rối loạn trong cơ thể, đặc biệt nếu uống nước quá ít dễ có nguy cơ bị táo bón…
BS. Lê Anh
Theo suckhoedoisong.vn