Cập nhật: 16/01/2018 10:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chỉ đạo đối với giải pháp của ngành kế hoạch và đầu tư trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế - xã hội để có kịch bản tăng trưởng cho quý 1, từ đó, đưa ra giải pháp ngắn gọn, dễ áp dụng vào thực tế để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2018.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

"Tôi đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu cho Chính phủ các giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phải cố gắng biến Việt Nam từ "một cô gái đẹp” trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á," Thủ tướng nói.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 15/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đi đầu đổi mới thể chế, chính sách để phát triển.

Bộ phải xây dựng chính sách với cách làm mới nhằm giải phóng nguồn lực trong nhân dân và từ khu vực đầu tư nước ngoài đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, tăng năng suất lao động, phát triển đồng đều để không ai bị tụt lại phía sau.

Sức cạnh tranh của nền kinh tế ở mức thấp

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết năm 2017, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, Chính phủ làm nên một năm đặc biệt - một năm tiên phong đi đầu về đổi mới, một năm có bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo nền tảng và niềm tin để bước vào năm 2018 và chặng đường tiếp theo.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, 13/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội được Quốc hội giao đều hoàn thành, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, ngoại giao, an ninh quốc phòng. Ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Thành tựu này tạo đà thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2018, Kế hoạch 5 năm 2016-2020, Chiến lược 10 năm 2011-2020 mà Đảng, Quốc hội đã đề ra.

Tuy nhiên, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng dù năm 2017 Việt Nam đạt nhiều thành tựu nhưng mức bình quân GDP/đầu người chỉ đạt gần 2.400 USD. Đây là một mức thấp chứa đựng nỗi buồn nhiều hơn là niềm vui.

“Việt Nam là nước đang phát triển, vì vậy yêu cầu thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới đã và đang là mệnh lệnh đối với hệ thống chính trị nói chung và Chính phủ nói riêng. Để đạt được mục tiêu nói trên, chúng ta phải có tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm ít nhất 8-10% và duy trì liên tục trong ít nhất trong 15-20 năm," ông Cung cho biết.

Theo ông Cung, những việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm được còn thấp so với yêu cầu cải cách thể chế và phát triển kinh tế của đất nước. Bởi Bộ chưa làm tốt vai trò của “nhạc trưởng” cải cách và phát triển của đất nước; một số chức năng nhiệm vụ còn trùng lắp, chồng chéo với các bộ, cơ quan khác…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cũng nhận định năm 2018 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, khó lường, chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại, chống lại tự do hóa toàn cầu. Vẫn còn những hạn chế, yếu kém của nội tại nền kinh tế được tích tụ từ lâu, còn những ảnh hưởng nặng nề, để khắc phục cần nhiều thời gian và công sức… Năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế ở mức thấp, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, trình độ công nghệ... chưa được cải thiện đáng kể. Nếu không hóa giải được những thách thức này thì nguy cơ tụt hậu là rất lớn.

Quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bước sang năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 (Nghị quyết 01). Nghị quyết này của Chính phủ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, thể hiện sự quyết tâm đổi mới, sự đồng thuận và thống nhất cao của Chính phủ, tinh thần quyết liệt hành động ngay từ ngày đầu tháng đầu.

Nghị quyết 01 đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, trình bày cô đọng, có trọng tâm, trọng điểm, với 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, 59 nhiệm vụ giải pháp cụ thể và 242 nhiệm vụ chi tiết giao cho các bộ, ngành và địa phương.

Nhiều nội dung quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá mới trong năm 2018, năm bản lề thực hiện Kế hoạch 5 năm. Nghị quyết lấy nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược làm trọng tâm; quyết tâm tạo sự chuyển biến rõ nét trong các nhiệm vụ về xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết để thực hiện hiệu quả của Nghị quyết 01, cần nắm rõ nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm trước đây để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới. Việc trước tiên là phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng, nhất là trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ và đang chuyển đổi, hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, đồng thời có sự đoàn kết, thống nhất và sự nỗ lực phấn đấu của toàn hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của xã hội tạo nên sức mạnh dân tộc, có thể vượt qua được các khó khăn, thách thức.

 

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ngành kế hoạch và đầu tư cũng sẽ tập trung quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược; nghiên cứu cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và đầu tư kinh doanh. Đồng thời, cụ thể hóa các giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Năm 2018, Bộ cũng sẽ tập trung chuẩn bị các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua, như Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Hoàn thiện đề án xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư...," Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung bày tỏ.

Giữ vững ngọn lửa khát vọng đổi mới, sáng tạo

Về vấn đề khu vực kinh tế không chính thức hiện còn lớn, Thủ tướng giao đã cho Tổng cục Thống kê xây dựng Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát như kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp.

Theo đề án này, việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế nhưng chưa được đo lường và tính toán đầy đủ trong GDP.

Theo Thủ tướng, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cần ý thức được rằng kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chặng đường đổi mới, sáng tạo và phát triển vẫn còn dài ở phía trước, những khó khăn, thách thức còn nhiều và ngày càng gay gắt, những hạn chế, tồn tại cần phải tiếp tục khắc phục triệt để.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện hơn, giữ vững ngọn lửa khát vọng đổi mới, sáng tạo, hành động mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, phục vụ chuyên nghiệp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của đất nước," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định./.

Theo THÚY HIỀN (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-bien-viet-nam-tu-mot-co-gai-dep-thanh-con-ho-kinh-te-moi/484144.vnp

Tệp đính kèm