Cập nhật: 14/03/2018 10:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hút người học nhưng số lượng học viên đăng ký vào các Trung tâm giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề (TTGDTX-HNDN) tại Hà Tĩnh vẫn rất thấp dẫn đến lãng phí về cơ sở vật chất, dư thừa nguồn nhân lực.

Xưởng dạy nghề may ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề Thạch Hà (Hà Tĩnh) vắng bóng học viên.

Thực trạng này đòi hỏi các trung tâm phải thay đổi nếu không muốn đối diện với việc giải thể hay sáp nhập.

Với mục đích nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề, hướng nghiệp trên địa bàn, ngày 20-1-2012, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 217/QĐ-UBND về việc sáp nhập và chuyển giao một số đơn vị thành TTGDTX-HNDN, đồng thời chuyển giao chức năng quản lý từ Sở Giáo dục và Đào tạo về UBND các huyện, thành, thị. Tuy vậy, sau sáu năm hoạt động, các trung tâm này đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, việc không tuyển được học sinh đang trở thành mối lo phải đóng cửa đối với nhiều trung tâm.

Cơ sở vật chất hiện đại với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng, TTGDTX-HNDN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho ngành giáo dục địa phương này. Thế nhưng đến nay, chỉ sau hơn ba năm hoạt động, không tuyển được học sinh đã khiến cho hoạt động của trung tâm gần như “tê liệt”. Hệ thống cơ sở vật chất gồm dãy mười phòng học, nhà hiệu bộ, dãy nhà nội trú với 24 phòng và dãy nhà xưởng “đắp chiếu” nằm hoen gỉ. Giám đốc TTGDTX-HNDN huyện Hương Khê Đoàn Văn Dương cho biết: Năm học 2017-2018, trường chỉ tuyển sinh được mười em, nâng tổng số học sinh hệ bổ túc lên 46 học sinh. Công tác tuyển sinh của trường những năm gần đây hết sức khó khăn. Theo ông Đoàn Văn Dương, bên cạnh những khó khăn chung trong công tác tuyển sinh, việc lựa chọn vị trí xây dựng trung tâm tại một địa điểm bất hợp lý cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc học viên ngại theo học tại đây.

Chung tình cảnh, hai năm nay, TTGDTX-HNDN huyện Vũ Quang cũng không thể tuyển sinh. Việc không có học sinh không chỉ dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất mà còn gây lãng phí nguồn nhân lực gồm 14 giáo viên, trong đó có 4 thạc sĩ. Đáng chú ý, với một cơ sở vật chất được xây dựng bề thế tại trung tâm của huyện nhưng ba năm nay TTGDTX-HNDN huyện Đức Thọ đang “bỏ không” vì không có học sinh. Khan hiếm đầu vào là tình trạng chung của khá nhiều TTGDTX-HNDN trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong mùa tuyển sinh 2017 cũng như vài năm gần đây.

Hằng năm, cứ đến mùa tuyển sinh, các trung tâm này thường phải “chạy đôn chạy đáo” để tìm kiếm học sinh. Mặc dù có rất nhiều chính sách ưu đãi như được hỗ trợ tiền khi theo học, học viên học nghề sau khi ra trường sẽ được giới thiệu việc làm ngay... nhưng số lượng học viên vào đăng ký nhập học vẫn rất ít.

Theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh Hà Tĩnh, năm học 2017 – 2018, mô hình đào tạo giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh Hà Tĩnh có 1.029 học viên. Trong đó 12 TTGDTX-HNDN chỉ có 525 em (còn lại hai trường Cao đẳng công nghệ và Trung cấp nghề Hà Tĩnh có 504 học viên).

BÊN cạnh khó khăn về việc tuyển sinh, công tác quản lý điều hành của các TTGDTX-HNDN cũng “chồng chéo” bởi mỗi trung tâm chịu sự quản lý, chỉ đạo của ba đơn vị ở hai cấp khác nhau. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) chỉ đạo chuyên môn dạy nghề; Sở GD và ĐT chỉ đạo chuyên môn về giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp; UBND huyện quản lý về tài chính, nhân sự, thi đua. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB và XH Hà Tĩnh, với danh nghĩa là đơn vị trực thuộc sự quản lý của UBND huyện, tuy nhiên ở các địa phương không có một phòng, ban nào ở cấp huyện đủ chức năng để tham mưu công tác quản lý đối với hoạt động của các trung tâm này.

Chia sẻ về khó khăn của các TTGDTX-HNDN, ông Trần Hoài Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho rằng: Các TTGDTX-HNDN cần năng động hơn trong việc kêu gọi liên kết đào tạo nghề, nâng cao chất lượng thực hành kỹ năng nghề và chất lượng chương trình giảng dạy để thu hút học viên. UBND huyện Đức Thọ đã có chủ trương đến năm 2020 sẽ giải thể TTGDTX-HNDN huyện do hoạt động không hiệu quả nhưng để tránh lãng phí nguồn nhân lực, huyện đang đề xuất sáp nhập với Trung tâm ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ.

Liên quan đến chất lượng đào tạo nghề tại các TTGDTX-HNDN, Phó Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB và XH Hà Tĩnh) Lê Xuân Ý cho biết, với đội ngũ giáo viên dạy nghề và trang, thiết bị hiện có, các học viên sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở này khó đạt được những kỹ năng nghề nghiệp như mong muốn. Đó là chưa kể đến sự thiếu chuyên nghiệp trong quá trình lao động tại các doanh nghiệp sau khi được tiếp nhận. Một số ý kiến cho rằng, tỉnh Hà Tĩnh còn nửa vời trong quyết tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các trung tâm này, bởi sau thời gian đầu thực hiện công tác đầu tư, xây dựng, sáp nhập, địa phương này còn thiếu quan tâm và không có giải pháp cụ thể hữu hiệu để vận hành trơn tru các trung tâm này.

Bài và ảnh: Ngô Tuấn

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm