Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra 5 trụ cột cho phát triển giáo dục ĐH. Trong đó quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH là một nhiệm vụ trọng tâm.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Bộ GD-ĐT xác định yêu cầu xây dựng bản Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục đại học (ĐH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, làm cơ sở cho sự đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy tại Hội nghị tham vấn xây dựng Chiến lược giáo dục đại học tổ chức ngày 29/3 tại Hà Nội.
Thiếu một chiến lược phát triển dài hạn, khả thi
Trong những năm qua, hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam dù đạt được một số thành tựu, kết quả đáng ghi nhận song còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể là, chất lượng của lực lượng lao động được đào tạo trình độ ĐH vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của nước ta; thiếu các nghiên cứu khoa học có chất lượng quốc tế từ các cơ sở giáo dục ĐH; hạn chế về tự chủ ĐH và trách nhiệm giải trình; thiếu chính sách tạo động lực hiệu quả đối với đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho giáo dục ĐH; cơ chế tài chính cho giáo dục ở cấp quốc gia lẫn cấp cơ sở chưa hiệu quả và thiếu bền vững...
Có nhiều nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là thiếu một chiến lược phát triển dài hạn, khả thi và hội nhập với xu thế phát triển giáo dục ĐH của thế giới; một chiến lược được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu thực chứng, luận cứ khoa học vững chắc và đúc rút thực tiễn phát triển giáo dục ĐH của các quốc gia trên thế giới.
Do vậy, Bộ GD-ĐT xác định yêu cầu xây dựng bản Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục ĐH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035, làm cơ sở cho sự đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.
5 trụ cột trong Chiến lược phát triển giáo dục ĐH
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, với tầm nhìn đến năm 2035, hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục ĐH thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia, chúng tôi mong muốn xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH giai đoạn 2021-2030 để hiện thực hóa tầm nhìn này.
Bản Chiến lược sẽ cụ thể hóa những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục ĐH nói riêng trong đó bao gồm: định hướng về vai trò của nhà nước từ kiểm soát trực tiếp sang kiến tạo và đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục ĐH; đổi mới quản trị ĐH theo hướng hội nhập với thế giới.
Bản Chiến lược dự kiến tập trung vào 5 trụ cột chính: tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị ĐH; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH; tăng cường chất lượng và sự phù hợp của đào tạo và nghiên cứu khoa học; đảm bảo tài chính bền vững cho giáo dục ĐH; tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông.
Bản chiến lược không chỉ xác định được các mục tiêu, giải pháp mà còn phải đưa ra được lộ trình triển khai khả thi, tạo ra được sự đồng thuận của các cấp, các bộ ngành, các cơ sở đào tạo và các bên liên quan./.
Theo Bích Lan/VOV.VN