Cập nhật: 10/04/2018 14:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bệnh viện là nơi người bệnh đến để được chữa trị, theo dõi bệnh tật và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên hiện nay, sự phát triển của internet tốc độ cao, công nghệ theo dõi từ xa,… đã giúp bác sĩ khám và chữa bệnh hiệu quả hơn, đồng thời người bệnh được điều trị và chăm sóc tốt hơn so với trước đây.

Chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa sẽ giúp bệnh nhân không phải đến bệnh viện. Ảnh: SEATECH WEEK

Vai trò lớn của công nghệ

Bệnh viện vẫn là nơi người bệnh đến để được các bác sĩ chuyên khoa, với sự hỗ trợ của các nhân viên y tế và máy móc hiện đại, chẩn đoán và điều trị bệnh tật. Thế nhưng, theo các chuyên gia y tế, trong tương lai không xa, công nghệ sẽ đóng góp vai trò lớn hơn trong việc theo dõi trực tuyến và chăm sóc người bệnh. Thậm chí, nhờ công nghệ, người bệnh còn có thể tự chẩn đoán và điều trị bệnh tật của mình.

Ông Toby Cosgrove, Giám đốc Bệnh viện Cleveland, bang Ohio (Mỹ) cho rằng, trong tương lai bệnh viện sẽ là nơi một nhóm bác sĩ ngồi trong một phòng với đầy đủ màn hình và thiết bị liên lạc. Bệnh viện sẽ giống như một tháp kiểm soát không lưu mà từ đó các bác sĩ và nhân viên y tế có thể theo dõi người bệnh ở gần hoặc xa một cách chuẩn mực, đó là công việc mà cho đến nay chỉ có các Đơn vị điều trị tăng cường (ICU) từ xa mới làm được.

Lord Ara Darzi, bác sĩ phẫu thuật và là giáo sư tại Imperial College London, một trường đại học đào tạo bác sĩ của Anh cho rằng, giống như ngân hàng online tiện lợi cho khách hàng, chăm sóc sức khỏe online cũng rất tiện lợi với người bệnh. Chỉ khi họ có những triệu chứng nghiêm trọng mới phải đến bệnh viện để được chăm sóc. Năm 2017, một nửa số cuộc hội chẩn người bệnh của Kaiser Permanente (một công ty chăm sóc sức khỏe điều hành nhiều bệnh viện tại Mỹ) với các chuyên gia y tế là bằng điện thoại, e-mail hoặc hội thảo trực tuyến.

Theo một bác sĩ khoa nhi tại Bệnh viện Cleveland, hạn chế của khám bệnh trực tuyến chỉ là việc bà không thể chẩn đoán bằng tay đối với cơ thể của trẻ em. Nhưng nhờ những thiết bị hiện đại hơn, hiện nay cả xét nghiệm máu cũng có thể thực hiện từ xa, nhiều bệnh nhân được chăm sóc tại nhà với chất lượng cao như ở bệnh viện. Gupta Strategists, một công ty nghiên cứu của Hà Lan cho biết, hiện khoảng 45% công tác chăm sóc sức khỏe ở các bệnh viện tại nước này được thực hiện tại nhà bệnh nhân. Nhờ theo dõi từ xa tốt hơn, một số người mắc bệnh mãn tính chỉ phải đến bệnh viện khi bệnh tình của họ xấu đi. Điều trị bệnh tật, chăm sóc y tế từ xa giúp tiết kiệm được viện phí, vừa tạo được điều kiện thuận lợi cho người bệnh và giảm tỷ lệ lây nhiễm.

Hệ thống y tế phi lợi nhuận Banner Health ở Mỹ là nơi quản lý 28 bệnh viện và nhiều tiện nghi y tế chuyên dụng ở sáu bang. Theo “Chương trình chăm sóc tăng cường bệnh nhân đi lại được” của Banner Health, nhiều người bệnh được giúp đỡ ra viện sớm hơn bình thường. Họ vẫn được theo dõi thường xuyên và chăm sóc tại nhà, đồng thời có thể nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá vào bất cứ thời điểm nào trong ngày bằng cuộc gọi video. Banner Health cho rằng, chương trình này giúp giảm một nửa số người phải nằm viện và giảm được một phần ba chi phí điều trị.

Nắm bắt xu hướng áp dụng công nghệ vào công tác chăm sóc sức khỏe, Công ty công nghệ điện tử Philips của Hà Lan đã mở ra Chương trình Tele-ICU chuyên cung cấp thiết bị, chương trình chẩn đoán và quản lý việc chăm sóc những bệnh nhân ốm nặng ở xa.

Tương lai của dịch vụ y tế

Trong tương lai gần, các bệnh viện sẽ theo dõi sát sao từ xa môi trường hồi phục của bệnh nhân sau điều trị, như thời gian phục hồi bệnh và tỷ lệ chữa bệnh thành công. Bệnh viện Kaiser Manhattan Beach Medical Office ở Los Angeles (Mỹ) có kế hoạch tập yoga và mở các lớp dạy nấu ăn cho bệnh nhân bằng hình thức truyền hình trực tuyến. Ở những khu điều trị mới, thay vì phòng bệnh nhân chung, Kaiser đã xây dựng những phòng bệnh nhân riêng để tạo không gian yên tĩnh cho người bệnh.

Tại Viện đại học y Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển), ông Annika Tibell, Giám đốc bệnh viện cho biết, để không gian bệnh viện yên tĩnh, thay vì phát tín hiệu bằng đèn nháy và loa, nhân viên được gắn ở tai một thiết bị thu, phát tín hiệu.

Bệnh viện Hopkins Johns ở Baltimore (Maryland - Mỹ) xây dựng một “trung tâm chỉ huy” theo mô hình của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để theo dõi và quản lý người bệnh. Trung tâm này trang bị 22 màn hình theo dõi hình ảnh trực tiếp từ các camera, phát video trực tiếp; các nhân viên y tế đeo bộ tai nghe điều hành bệnh viện 1.100 giường suốt ngày đêm. Công ty công nghệ y tế GE Healthcare hợp tác với Bệnh viện Hopkins Johns giúp sàng lọc và truyền tải các dữ liệu, kể cả thông tin về thời tiết nhằm hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác. Trung tâm chỉ huy này còn liên hệ với các bệnh viện chung quanh để thu thập thông tin do người bệnh cung cấp, sau đó gửi trực tiếp tới các bác sĩ.

Robot sẽ hỗ trợ đắc lực các bác sĩ trong chữa trị bệnh. Ảnh: THE MEDICAL FUTURIST

Trong tương lai, thay vì khám sức khỏe bệnh nhân hằng ngày hoặc y tá phải túc trực bên giường bệnh, các dữ liệu sẽ được thu thập từ máy móc y khoa và những thiết bị người bệnh mang trên người gửi trực tiếp tới trung tâm, nơi các siêu máy tính kiểm tra và phân loại, từ đó giúp các nhân viên y tế xử lý công việc một cách hiệu quả. Các bác sĩ ở trung tâm, thậm chí ở nhà riêng của họ cũng có thể tiến hành khám và điều trị trực tiếp người bệnh nhờ các dữ liệu mà công nghệ thông tin cung cấp. Một trung tâm chỉ huy sẽ theo dõi người bệnh không chỉ ở bệnh viện mà cả ở nhà. Những thiết bị người bệnh có thể mang trên người luôn theo dõi tình trạng sức khỏe họ. Đó là các kính tiếp xúc theo dõi độ đường trong máu, những mũi khâu thông minh đo chính xác độ pH của nước trong vết thương... Nhờ đó, nhiều người bệnh sẽ không phải đến bệnh viện kiểm tra.

Tại Trung tâm y khoa Oakland của Bệnh viện Kaiser, các y tá không còn phải theo dõi chặt chẽ trẻ sơ sinh như trước đây. Máy tính sẽ báo cho họ biết tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh. Sắp tới, Viện đại học y Karolinska sẽ trang bị mỗi người bệnh một máy theo dõi tình trạng sức khỏe. Mới đây, Bệnh viện Cleveland còn lắp đặt thiết bị cảm biến theo dõi các nhân viên y tế có rửa tay hay không trước khi vào phòng người bệnh (nếu họ không rửa tay thiết bị cảm biến sẽ phát sáng).

Rồi nữa, điện thoại thông minh của bác sĩ có thể thay thế ống nghe mà họ đeo trên cổ. Công việc của bác sĩ phẫu thuật cũng thay đổi. Hiện nay, việc sử dụng robot trong phòng mổ còn hạn chế vì bác sĩ vẫn phải điều khiển bằng tay từ khoảng cách xa. Trong tương lai, các robot có thể thực hiện một số thủ thuật y tế chuẩn mực. Theo đó, bác sĩ phẫu thuật chỉ phải thực hiện các bước ban đầu và robot làm phần việc còn lại. Bệnh viện Cleveland đã truyền tải hồ sơ người bệnh, kể cả các kết quả xét nghiệm, qua thiết bị có tên gọi “MyChart”, giúp người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ của họ thường xuyên và kịp thời.

 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm