Cập nhật: 02/05/2018 14:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, chú Trần Văn Nhì (thường gọi Út Nhì) và nhiều bô lão tại địa phương chỉ hiểu nôm na “phong ngạn” nghĩa là: nơi quy tụ nhóm thợ rừng chuyên nghề gác kèo ong. Không như cái khù khờ trong câu chữ, một khi đã vào rừng, chú Út Nhì và cánh thợ rừng cùng xóm là những “chuyên gia” lão làng trong việc gác kèo lấy mật ong ở các cánh rừng U Minh hạ (Cà Mau) còn lắm điều kỳ bí…

* Thợ rừng xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thu hoạch mật ong rừng tràm.

“No đòn” với bầy ong mật

Con sông Cái Tàu ở thị trấn U Minh có nhánh rẽ vô rạch Bà Thầy, theo đường vòng qua kinh Cựa Gà. Chừng 10 phút ngồi vỏ lãi (xuồng có gắn động cơ, phương tiện đường thủy phổ biến ở Cà Mau), tài công trẻ Trần Văn Chơn lủi mũi vỏ vào trước bến nhà của cha ruột mình là ông Trần Văn Nhì - một thợ rừng nổi tiếng ở các cánh rừng già xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.

Vùng quê của chú Út Nhì yên bình với những căn nhà bằng cây gỗ địa phương, phía trước có thêm những luống rau xanh mơn mởn đang chờ thu hoạch trong mùa hạn hán. Trước hiên nhà vài người mang theo ba-lô, ngồi uống nước trà. Anh Chơn giới thiệu, đó là cánh nhà báo ở thành phố Cà Mau, vào đây từ tảng sáng. Họ có cùng mục đích như tôi: “trải nghiệm việc lấy mật ong rừng”.

Ngó sơ qua ánh nắng ngoài sân đã ló lên đỉnh đầu, chú Út Nhì phán câu chắc nịch: “Hành quân”. Tôi dòm lại đồng hồ, thời gian chỉ mười giờ kém ba phút.

Nhóm người chia làm hai tốp, đi trên hai chiếc xuồng vào rừng “ăn ong”. Tốp của tôi có bốn người, tính luôn con ruột của chủ nhà, đảm trách việc lái phương tiện. Trên xuồng, anh Chơn đã chuẩn bị sẵn các dụng cụ cần thiết cho chuyến đi rừng, như: lưới che mặt, bao tay, dao cắt, thau chứa mật, bình hun khói… Luồn lách qua nhiều con kênh đi vào sâu trong rừng, chừng nửa giờ sau, chúng tôi đậu xuồng ở bìa một con kênh dày đặc lau sậy và các loại dây leo hỗn tạp. Chú Út Nhì phổ biến và hướng dẫn mọi người đeo lưới che mặt, chỉ cách chụp ảnh tắt đèn láp, cả cách khi bị ong bủa vây thì chỉ phủi ong ra chứ không được làm chết con ong. Chú dặn đi dặn lại tới bốn, năm lần rồi cả nhóm xắn quần, luồn lách từ từ qua những lối mòn đã có từ trước. Chừng 10 phút sau, cả nhóm đến được tổ ong mật đầu tiên, to bằng cái thúng.

Qua các bước trinh sát, anh Chơn nói muốn chụp hình thì vào từng người, sau đó lùi ra tới lượt người khác vô tiếp cận tổ ong. Tiếng bước chân va chạm với mặt nước đỏ ngầu dưới chân rừng nghe bì bõm. Vừa đưa máy ảnh lên tầm ngắm, lấy nét, bầy ong bất ngờ túa ra bủa vây lấy hai phóng viên. Chúng sà vào hai cánh tay, chích vài nhát vào tay anh phóng viên già. Anh phản xạ và chẳng may làm chết một con ong rừng. Thấy đồng đội “hy sinh”, chúng kéo ra đông hơn, bao vây lấy hai người cầm máy ảnh rồi hùa về đằng sau quyết một phen “sống mái” với những vị khách không mời mà đến.

Dù đã chuẩn bị sẵn bình hun khói nhưng do có người trong nhóm đã lỡ tay làm chết một ong con, cho nên đàn ong càng trở nên hung hăng. Chúng đốt nhiều người trong đoàn đi lấy mật, trừ hai người thợ rừng. Mọi người bị hoa cả mắt, đòi rút lui để giảm thương tích và bảo toàn lực lượng thì bất ngờ chú Út Nhì hô to, mọi người theo tôi vào phá tổ ong, càng chạy nó càng đánh nhiều hơn nữa.

Chú Út Nhì dùng bình hun khói xua bầy ong để lấy mật (ảnh nhỏ).

Quả thiệt, khi theo sát thợ rừng kèm bình hun khói vào tận tổ ong, bầy ong cố đeo bám nhưng hiền lành hơn trước. Theo lời chú Út Nhì, bọn chúng đã bị say khói, giờ thì tha hồ mà chụp ảnh, ghi hình. Đến lúc này, nhà báo già mới tự tin hơn, đưa bàn tay bị ong chích sưng phù như nải chuối lên bấm máy, khổ sở lắm mới được vài pô ảnh.

Khi toàn bộ tổ ong đã được cắt bỏ hết vào trong cái thau, chú Út Nhì hô to: “Rút quân”. Chú Út cầm bình hun khói đi đầu. Cánh nhà báo đi giữa. Còn anh Chơn đi cuối “khóa đuôi” bằng một bình hun khói khác để bầy ong không gây sự tiếp với cả đoàn. Vậy mà, có hàng tá con ong lảng vảng bay theo nhà báo già - người đã làm chết đồng đội của chúng.

Hương tràm cho mật ngọt

Mùa khô là thời điểm thích hợp nhất đối với những người chuyên đi gác kèo lấy mật ong ở miệt rừng U Minh. Song khi được hỏi về lịch sử nghề “ăn ong”, chú Út Nhì lắc đầu nguây nguẩy. Từ nhỏ, chú Út đã theo cha, chú vào rừng lấy mật ong tràm. Trong hành trình mưu sinh ấy, con chữ bị đánh rơi dưới bìa rừng. Nhưng bù lại, cái nghề gác kèo ong thì ngày càng thạo. Trong số các con, anh Chơn là người may mắn được cha mình truyền lại nghề. Đến nay, anh cũng thuộc hàng “cao thủ” với ngót ngét hơn mười năm kinh nghiệm.

Theo lời anh Chơn, mùa vụ gác kèo ong phụ thuộc vào mùa hoa tràm trổ bông nhiều, thuận nhất là mùa khô, từ giữa tháng chín đến tháng 3 năm sau. Trong khi đó, mùa nước từ tháng năm đến tháng tám âm lịch, bông tràm không nhiều bằng mùa hạn. Bởi vậy, sản lượng ong cho mật vào mùa hạn thường cao gần gấp hai lần so với mùa nước. “Với 260 kèo ong, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu từ 400 đến 500 lít mật”, anh Chơn chia sẻ.

Ở miệt rừng xã Nguyễn Phích có khá nhiều hộ cùng nghề như gia đình của chú Út Nhì. Từ năm 1984, họ tập hợp lại thành Tập đoàn Phong Ngạn, hiện đã đổi tên thành Hợp tác xã 19 tháng 5. Tính luôn gia đình chú Út Nhì, trong hợp tác xã hiện có 40 xã viên, gác hơn 7.200 kèo ong trong khu rừng rộng 520 ha. Nhờ có diện tích rừng nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau cho nên các hộ xã viên của hợp tác xã được Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật, được trang bị dụng cụ bảo hộ cần thiết. Để giúp người dân có thêm thu nhập, thời gian gần đây, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau còn tổ chức cho nhiều đoàn khách vào tận nơi, cùng người dân địa phương đi dã ngoại thực tế, khám phá, trải nghiệm nghề gác kèo ong. Mô hình du lịch khám phá, du lịch cộng đồng ấy đang phát triển ở Cà Mau. Những phong ngạn như chú Út Nhì không bao giờ cho ong uống nước đường. Chú thề độc sẽ bị rắn hổ cắn nếu nói sai lời: “Con ong nuôi mới biết uống nước đường, còn con ong mật tự nhiên, có để thau đường cạnh tổ ong cả tháng cũng chẳng có con nào xuống đó”.

Đưa tổ mật vừa lấy được từ trong rừng cho chúng tôi xem, chú Út Nhì tiết lộ, ong vùng này hút nhụy hoa tràm, cho nên mật có mầu hơi đỏ. Trong khi đó, ở khu rừng nguyên sinh bên Vườn quốc gia U Minh hạ, do ong hút nhụy hoa của nhiều loại cây hỗn tạp cho nên mầu mật vàng óng. Nơi nào trồng nhiều cây keo lai, mật ong cũng có mầu đỏ nhẹ nhưng để lâu ngày sẽ có mầu sậm hơn. “Dù mầu nào đi nữa thì mật ong rừng U Minh vẫn nguyên chất, bảo đảm chất lượng tốt. Đó cũng là lý do “Mật ong U Minh hạ” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2011”, Chú Út Nhì giải thích.

Tua lại những hình ảnh vừa đi thực tế, chú Út Nhì coi qua rồi nói rằng, nghề gác kèo ong chủ yếu nhờ vào năng khiếu, kinh nghiệm của từng người đi ăn ong, như: Chọn loại cây để làm kèo, địa điểm để gác kèo… Song, phải bảo đảm được nguyên tắc “một phần nắng, hai phần mát”. Cụ thể, phải chọn nơi gác kèo có trảng sậy, cả nắng sáng và nắng chiều đều rọi được vào một phần của kèo ong. Khi thu hoạch ong rừng, dân phong ngạn không bao giờ cắt hết tàng ong trên kèo ong mà lúc nào cũng chừa lại một góc tàng ong để con ong không bỏ tổ. Đó cũng được coi là một cách làm “có hậu”, giống như sống ở đời, phải có trước có sau.

“Dân phong ngạn trồng cây tràm, ra sức giữ rừng không bị cháy để có nhiều hoa cho ong hút mật. Người dân còn “làm nhà” cho ong trú ngụ (gác kèo ong). Bởi vậy, con ong mới cho dân phong ngạn như tôi những mùa mật ngọt” - Chú Út chia sẻ rồi vui miệng đọc luôn hai câu thơ tự sáng tác: “Nực cười lấy mật sáng hôm nay/Ong đánh quá đau bực tức hoài…”.

Lâm phần rừng tràm U Minh hạ có hơn 43 nghìn ha, có cả nghìn hộ dân mưu sinh bằng nghề gác kèo ong. Qua đúc kết thực tiễn cho thấy, nơi nào có hợp tác xã của những người gác kèo ong, nơi ấy thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Như diện tích rừng mà Hợp tác xã 19 tháng 5 được giao quản lý, bảo vệ, hơn 20 năm gần đây không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Với người dân, cây rừng và mật ong là nguồn thu chính, mất rừng là mất hết.

DƯ BÉ BA Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện U Minh

 

Khi tham gia Tập đoàn Phong Ngạn, các thợ rừng phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt, như: Phải thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, không để rừng bị cháy; không được pha đường vào mật ong; không được “lấy nhầm” kèo ong của người khác… Nếu vi phạm những nguyên tắc trên, thợ rừng sẽ bị khai trừ ra khỏi tập đoàn.

NGUYỄN VĂN VỮNG Giám đốc HTX 19 tháng 5

 

 

Theo Nguyễn Hữu Tùng/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm