Cập nhật: 11/05/2018 09:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vận động cơ thể thường xuyên khiến cho mạch máu lưu thông tốt, tăng cường chuyển hóa các cơ quan trong cơ thể, đồng thời vận động thường xuyên làm săn chắc các nhóm cơ, tạo sức bền, chống béo phì.

Vận động cơ thể thường xuyên khiến cho mạch máu lưu thông tốt, tăng cường chuyển hóa các cơ quan trong cơ thể, đồng thời vận động thường xuyên làm săn chắc các nhóm cơ, tạo sức bền, chống béo phì. Chính vì vậy, cần tập cho trẻ làm quen với thể dục thể thao để có thể chất và tinh thần khỏe mạnh.

Lợi ích từ việc tập thể thao ở trẻ

Tăng cường hệ miễn dịch: Khoa học và thực tế đều khẳng định rằng, cả trẻ em và người lớn có thói quen tập thể dục điều độ đều khỏe mạnh hơn và có hệ miễn dịch tốt hơn. Và nếu cho trẻ tập đều đặn 6 giờ/1 tuần sẽ làm tăng thêm miễn dịch giúp trẻ sống khỏe hơn.

Làm quen với thể thao giúp trẻ có một thể chất và tinh thần khỏe mạnh.     Ảnh: MH

Học tập và rèn luyện hiệu quả: Thể thao không chỉ tốt trong việc tăng cường thể chất mà nó còn giúp trẻ có một trí não thông minh, sáng tạo, ghi nhớ tốt. Một số môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền… vừa có tác dụng tăng thể lực lại vừa rèn cho trẻ tinh thần đoàn kết, đồng đội, biết cách ứng xử trong các mối quan hệ. Một số môn như cờ vua, võ thuật… giúp trẻ có thêm lòng quyết tâm, tư duy, sáng tạo, điều kiện tốt để học tập được hiệu quả hơn.

Tập thể thao giúp giảm khả năng bị béo phì: Thừa cân, béo phì là bệnh thường gặp ở trẻ em thành phố. Trẻ bị thừa cân béo phì là do chế độ ăn giàu năng lượng, vượt quá nhu cầu, nhất là năng lượng từ chất béo. Đồng thời, trẻ thường dành thời gian cho hoạt động “ngồi một chỗ” như xem ti vi, đọc truyện, chơi điện tử... mà ít luyện tập thể dục, thể thao. Do đó nên cho trẻ làm quen với các môn thể thao từ nhỏ để tránh nguy cơ bị béo phì và mắc một số căn bệnh thường gặp.

Hướng trẻ đến môn thể thao yêu thích

Theo giai đoạn phát triển của trẻ: Trong mỗi giai đoạn, trẻ sẽ có những bài tập phù hợp với thể chất của riêng mình. Ngay cả những động tác như giơ tay, giơ chân, tập đi, tập bò, vươn người, ném bóng… trong chuỗi phát triển của trẻ cũng được xem là những động tác thể dục đơn giản nhưng tốt cho sức khỏe. Khi trẻ càng lớn, hãy cho trẻ làm quen với nhiều môn thể thao như đá cầu, bóng chuyền, chạy, bơi… Bạn hãy quan sát và tìm ra môn thể thao nào trẻ yêu thích nhất.

Theo thể trạng của trẻ: Mỗi trẻ có một thể trạng khác nhau, những bé có dấu hiệu béo phì, thừa cân nên chọn những môn tiêu hao nhiều năng lượng như cầu lông, bơi lợi… Những trẻ có thể trạng yếu nên chọn những môn thể thao nhẹ nhàng, hoặc cho trẻ thích nghi từ từ với những môn đòi hỏi quá trình tập luyện dài.

Theo sở thích của trẻ: Ngay từ lúc cho trẻ làm quen với một môn thể thao nào đó phụ huynh hãy quan sát và tìm hiểu sở thích của trẻ để hướng trẻ tham gia một môn thể thao một cách thoải mái, tự giác mà không hề cảm thấy gượng ép. Đây cũng là cách tốt để phát huy tiềm năng thể thao trong bản thân của mỗi trẻ.

Bác sĩ  Minh Ngọc

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm