Thiên tai là khó tránh khỏi, nhưng phòng, chống để không trở thành thảm họa là điều chúng ta có thể làm được. Bộ GD&ĐT đã tăng cường giáo dục học sinh những kỹ năng tự bảo vệ mình cũng như trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình và xã hội khi thiên tai xảy đến.
Ngành giáo dục vừa phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) tại Việt Nam tổ chức sự kiện “Trường học an toàn trước thiên tai” nhằm hưởng ứng kỷ niệm 72 năm “Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam”.
Một trong những thông điệp của ngành giáo dục trong giai đoạn 2018-2023 đó là: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; chuẩn bị sẵn sàng và đảm bảo an toàn trong trường học là trách nhiệm của của ngành giáo dục và của toàn xã hội.
“Điều kiện cơ sở vật chất ở mỗi địa phương là khác nhau, nhiều nơi còn rất khó khăn, nhưng nếu các thầy cô giáo, các em học sinh được trang bị kiến thức, kĩ năng về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai để chủ động vận dụng sáng tạo thì có thể giảm nhẹ tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra”, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh.
Trong các năm qua, Bộ GD&ĐT cùng với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế trong đó có Unicef đã triển khai nhiều giải pháp thực tế. Các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu giáo dục giảm nhẹ rủi ro thiên tai một cách có hệ thống thông qua sáng kiến trường học an toàn. Bên cạnh đó là các sáng kiến nhằm nâng cao kỹ năng và khả năng chống chịu của trẻ em và hệ thống trường học để chuẩn bị, ứng phó với thiên tai và tăng cường phục hồi nhanh từ thiên tai và các trường hợp khẩn cấp cũng như các giải pháp truyền thông trên tất cả các tỉnh, thành phố và trên tất cả các trường học ở Việt Nam.
Chiến dịch truyền thông “Xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu cho các thế hệ tương lai” qua hệ thống giáo dục và huy động sự tham gia của học sinh trong nhà trường với các hoạt động truyền thông sáng tạo đóng vai trò cốt lõi trong chiến dịch này. Các em học sinh là tác nhân tích cực của sự thay đổi và đóng vai trò cầu nối để truyền đạt thông tin, kiến thức và kỹ năng cho các bạn, phụ huynh và cộng đồng nơi các em sinh sống theo những cách thức hiệu quả…
Trước đó, Bộ GD&ĐT và Bộ NN&PTNT đã ký, ban hành Chương trình phối hợp công tác số 3485 ngày 8/5/2018 “Về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2018-2023”.
Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản đề nghị các sở GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ kỷ niệm 72 năm “Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam” tại các trường phổ thông dưới hình thức lồng ghép vào buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần từ ngày 14-18/5.
Theo Nhật Nam/Chinhphu.vn