Cập nhật: 26/05/2018 08:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hàng loạt vấn đề “nóng” đã được đưa ra tại Hội thảo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 25-5.

Hội thảo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sáng 25-5.

Chương trình do Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện 14 tỉnh, thành và chín bộ, ngành liên quan.

Cần quyết liệt trong xử phạt

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hằng năm trung bình ngành trồng trọt cả nước có nhu cầu tiêu thụ hơn 11 triệu tấn phân bón, trong đó phân vô cơ chiếm hơn 90%, phân hữu cơ và phân bón khác chiếm 10%. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp phân bón lớn nhất vào thị trường Việt Nam với gần 50% lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam chưa sản xuất được hóa chất thuốc BVTV hoặc thuốc BVTV kỹ thuật. Tất cả thuốc BVTV tại Việt Nam đều phải nhập khẩu. Hằng năm, Việt Nam nhập khẩu 100 nghìn tấn thuốc BVTV. Trong 100 nghìn tấn này có 50% được sử dụng trong nước, 10% được bảo quản trong kho và lưu thông trên thị trường, 40% còn lại được nhập về sang chai, đóng gói tại Việt Nam và xuất sang nước khác. Trên cả nước có hơn 30 nghìn cửa hàng đại lý buôn bán thuốc BVTV và 91 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, phát hiện, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm…Tuy vậy, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân.

Tính đến hết quý I-2018, các địa phương và lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.420 vụ, xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, xử phạt hiện nay chưa đủ mức răn đe và các đối tượng vi phạm gian lận thương mại, làm giả, làm nhái phân bón, thuốc BVTV lại càng tinh vi. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch T.Ư Hiệp hội phân bón Việt Nam đề xuất: Bổ sung Luật 71 về thuế đối với mặt hàng phân bón là mặt hàng chịu thuế; tăng mức chế tài xử phạt và đề nghị lực lượng liên ngành tổng thanh kiểm tra hệ thống sản xuất, kinh doanh phân bón trên toàn quốc.

Hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan gây bức xúc

Ông Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng cho rằng, để giải quyết vấn nạn phân bón, thuốc BVTV giả, nhái, kém chất lượng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra trực tiếp tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV, từ đây sẽ phát hiện được các vi phạm về nhãn mác, chất lượng. Vì nếu kiểm tra tại các nhà máy sản xuất phân bón có uy tín, thì chỉ được đầu vào sản xuất, đầu ra sản phẩm đến người nông dân. Cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp uy tín và cơ sở sản xuất nhỏ, nhằm bảo đảm quyền lợi và bảo vệ người dân.

Theo Cục BVTV, qua phối hợp các cơ quan liên ngành đã bắt hơn 40 vụ vi phạm, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, thu giữ bảy tấn thuốc BVTV với 25 loại thuốc khác nhau đều nằm ngoài danh mục và phần lớn có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Sơn, quyền Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV nêu lên thực trạng nhức nhối nhất là thuốc BVTV, phân bón giả với nhiều thủ đoạn tinh vi, trong khi người dân lại sử dụng thuốc BVTV không theo hướng dẫn kỹ thuật mà “tin hoàn toàn” vào hướng dẫn sử dụng tại các đại lý bán hàng mà không tìm hiểu kỹ về các thông số ghi trên bao bì sản phẩm. “Ban chỉ đạo 389 cùng các đơn vị liên quan cần xây dựng cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan quản lý và các hiệp hội trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV. Chỉ khi phối hợp tốt mới giải quyết được tình trạng này”, ông Sơn kiến nghị.

Nhiều đại biểu cũng bức xúc việc xử lý vi phạm tại Công ty Thuận Phong về tội sản xuất phân bón giả, lừa đảo người dân. Các đại biểu yêu cầu phải khởi tố, xử phạt vì không thể để một doanh nghiệp làm giả, lừa đảo người dân như thế tồn tại. Cần phải lập lại trật tự quản lý nhà nước về thị trường phân bón.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, hội thảo này là diễn đàn để các đại biểu nói lên những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, đặc biệt sự phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả nhận diện đúng sai, từng bước ngăn chặn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng bảo đảm cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phát triển hiệu quả trong thời gian tới. Tất cả các vấn đề nổi cộm như việc giám định chất lượng phân bón, thuốc BVTV giả, xử lý, tiêu hủy vật chứng, cơ chế phối hợp liên ngành… được đề xuất tại hội thảo sẽ được trình lên Ban chỉ đạo 389 Quốc gia xem xét, giải quyết.

Theo ANH ĐÀO/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm