Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho biết, chiều cao trung bình của nam và nữ của Việt Nam không chỉ thấp hơn nhiều nước phát triển mà còn thấp hơn một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này chính là thiếu vi chất dinh dưỡng.
Thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam
Tại Hội nghị cộng tác viên báo chí nhân ngày Vi chất dinh dưỡng diễn ra gần đây tại Hà Nội, GS.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (VCDD) ở nước ta diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt có tỷ lệ cao ở miền múi và nông thôn nhưng chưa được chú ý đúng mức.
Thiếu vitamin A: Năm 1995, Việt Nam được Tổ chức y tế thế giới (WHO) công nhận đã thanh toán thiếu vitamin A thể lâm sàng nhưng thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn còn ở mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Cụ thể, tỷ lệ này ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,0%, có vùng lên tới 16,1%, tỉ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp ở mức 34,8%. Thiếu máu: Thiếu máu do thiếu sắt chiếm tỷ lệ 63,6 % (ở trẻ em dưới 5 tuổi); 54,3% (phụ nữ có thai) và 37,7% (phụ nữ tuổi sinh đẻ) trong các trường hợp thiếu máu.
Thiếu kẽm: Kết quả điều tra vi chất năm 2014 - 2015 cho thấy có 80,3% phụ nữ có thai, 63,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ và 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm và được đánh giá là ở mức nặng. Tỷ lệ thiếu kẽm đặc biệt cao ở trẻ em dưới 5 tuổi ở miền núi và nông thôn.
Thiếu vitamin D và can xi: Điều tra vi chất năm 2010 trên 19 tỉnh thành của Việt Nam cho thấy tình trạng thiếu vitamin D còn rất phổ biến, gặp ở 40% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và 37% ở trẻ em. Bên cạnh đó mức tiêu thụ vitamin D và canxi của phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng mới chỉ đạt 1% và dưới 43% nhu cầu khuyến nghị.
Thiếu I- ốt: Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết TW năm 2013 – 2014 cho thấy tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 -10 tuổi là 9,8%, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%, mức trung vị iốt niệu là 8,4 mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i- ốt nghiêm trọng trên thế giới, báo động thực tế thiếu hụt i- ốt đang quay trở lại.
Trẻ uống vitamin A trong Ngày vi chất dinh dưỡng 1-2/6/2018 tại Ninh Bình
Thiếu vi chất dinh dưỡng gây thấp còi
Theo ThS. Trần Khánh Vân, Khoa Vi chất dinh dưỡng- Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...).
Hiện nay, chiều cao trung bình của nam và nữ của Việt nam là 1,64m và 1,55m tương ứng với Indonesia, Philipine, thấp hơn các nước phát triển như Trung quốc, Nhật Bản, Singapore... và các nước trong khu vực ASEAN như Malaysia và Thái Lan. Nguyên nhân chính dẫn đến chậm phát triển chiều cao của thanh niên nước ta chính là do suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng.
Trong đó, thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới tình trạng này ở Việt Nam. Ngoài ra, thiếu VCDD còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em và khả năng sinh sản cũng như năng suất lao động của người lớn.
Biện pháp nào giải quyết tình trạng này?
Để khắc phục tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng và cải thiện chiều cao cho người Việt Nam, ngành y tế cần thực hiện tốt chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm các biện pháp đồng bộ như bổ sung VCDD cho các đối tượng có nguy cơ cao, tăng cường VCDD vào thực phẩm và đa dạng hoá bữa ăn. Hiện nay, Viện Dinh dưỡng đang tập trung nghiên cứu, sản xuất và phát triển các loại sản phẩm tăng cường vi chất đáp ứng cho nhu cầu của người dân, đặc biệt dành cho các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ…
Bên cạnh đó, hàng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu vitamin A nhờ hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi ở 63 tỉnh thành, trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi ở 22 tỉnh khó khăn mỗi năm 2 lần, bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống 1 liều vitamin A, đồng thời việc bổ sung vitamin A cho trẻ em và bà mẹ sau sinh đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã/phương trong toàn quốc. Năm 2018, trong ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6) sẽ có trên 6 triệu trẻ dưới 5 tuổi được uống vitamin A, hàng triệu trẻ từ 24-60 tháng tuổi tại 22 tỉnh khó khăn được tẩy giun (Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu…).
Lê Thu Lương
Theo suckhoedoisong.vn