Thời gian qua, ngành sản xuất lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều thay đổi đáng kể trên tất cả các lĩnh vực, từ cơ cấu giống, mùa vụ, đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện chuỗi liên kết và hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn... Kết quả là mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn cho người trồng lúa, đồng thời tạo đòn bẩy cho xuất khẩu gạo khởi sắc trong những tháng đầu năm 2018.

Dây chuyền đóng gói gạo đặc sản tại Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (tỉnh Ðồng Tháp). Ảnh: AN HIẾU (TTXVN)
Thay đổi từ sản xuất
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vòng vài năm trở lại đây, cơ cấu giống lúa gieo trồng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, vụ đông xuân 2017- 2018, toàn vùng xuống giống 1,6 triệu héc-ta, trong đó giống lúa thơm, lúa đặc sản chiếm diện tích 501.850 ha (31,34%); nhóm lúa chất lượng cao 513.552 ha (32,07%); nhóm lúa thường chỉ còn 275.516 ha (17,2%). Các giống lúa thơm có tiềm năng xuất khẩu cao như Nàng Hoa 9, Ðài Thơm… phát triển nhanh về diện tích, sản lượng. Diện tích trồng lúa nếp cũng tăng đáng kể, từ 3% lên 9 đến 10% ở thời điểm hiện nay.
Ðánh giá về sự thay đổi này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ Nguyễn Thị Kiều cho rằng: Ðây là sự thay đổi mang tính chiến lược trong sản xuất lúa tại khu vực ÐBSCL và cũng là thành tựu đáng kể của nền sản xuất lúa gạo nói chung. Bởi lẽ, trước đây, nông dân thường quen sản xuất các loại lúa thường, cho năng suất cao nhưng phẩm cấp gạo thấp. Mặc dù chính quyền và các nhà khoa học nông nghiệp đã khuyến cáo về sự "lạc hậu" của các giống lúa đó nhưng tập quán canh tác tại nhiều địa phương vẫn chưa chuyển biến. Chính vì vậy, sự thay đổi cơ cấu giống thời gian gần đây có thể nói mang tính bước ngoặt đối với khu vực này, góp phần quan trọng nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo.
Ngoài thay đổi giống, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chính là mấu chốt cho những thành công bước đầu của tiến trình cơ cấu lại ngành lúa gạo. Theo Viện lúa ÐBSCL, mô hình giảm lượng giống gieo sạ phù hợp với điều kiện canh tác thực tế của đồng ruộng đã góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Tổng kết hai năm thực hiện Chương trình Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) cho thấy, khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất (máy cấy, máy gặt đập liên hợp…) đã giúp chi phí sản xuất lúa gạo giảm được từ 7 đến 12%.
Mô hình điểm thuộc Ðề án "Xây dựng vùng lúa ứng dụng công nghệ cao 20 nghìn héc-ta trên địa bàn tỉnh Long An" là một thí dụ. Mô hình triển khai tại các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường, được xây dựng trên cơ sở ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong canh tác nhằm giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho nông dân. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 30% các chi phí sản xuất như: lúa giống, thuê máy cấy, phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, trồng hoa trên bờ ruộng...; Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật canh tác lúa theo "một phải, sáu giảm". Mô hình sử dụng các giống OM4900, VD20, Ðài Thơm 8 cho thấy lượng giống giảm từ 40 đến 60 kg/ha, giảm được ba đến bốn lần phun thuốc bảo vệ thực vật mỗi vụ, lượng phân đạm giảm 10 kg/ha.
Riêng đối với giống OM4900 áp dụng phương pháp cấy, năng suất tăng trung bình 400 kg/ha, với giá bán 6.650 đồng/kg, lợi nhuận tăng 2.660.000 đồng/ha so với nông dân trồng lúa ngoài mô hình. Tính đến nay, toàn tỉnh Long An xây dựng 45 mô hình, diện tích 2.844 ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Kết quả chung cho thấy mô hình này đã tiết kiệm được khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn từ hai đến ba triệu đồng/ha so với ngoài mô hình, riêng vụ đông xuân 2017- 2018 có 23 mô hình (1.193 ha) gieo sạ theo lịch khuyến cáo lợi nhuận cao hơn từ 5 đến 10 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất bền vững với nông dân đã tạo ra thay đổi lớn trong sản xuất lúa ÐBSCL. Vụ đông xuân 2017 - 2018, diện tích thực hiện cánh đồng lớn ước đạt 160 nghìn héc-ta, tăng 10 nghìn héc-ta so với vụ đông xuân 2016-2017. Còn theo thống kê từ Chương trình VnSAT thực hiện tại tám tỉnh, thành phố ÐBSCL (An Giang, Cần Thơ, Ðồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang) thì tính đến tháng 12-2017, tổng diện tích lúa được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là 23 nghìn héc-ta (mục tiêu dự án là 50 nghìn héc-ta canh tác lúa bền vững được bao tiêu sản phẩm). Từ việc liên kết sản xuất thành công đã hình thành được các vùng sản xuất có giống lúa xác định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Khởi sắc trong xuất khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5-2018 ước đạt 452 nghìn tấn với giá trị đạt 347 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,66 triệu tấn và 1,45 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia…, gạo Việt Nam còn thâm nhập được vào các thị trường khó tính và tiềm năng như Australia, Hàn Quốc với giá bán bình quân 503 USD/tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sản lượng gạo xuất khẩu tăng trong những tháng đầu năm 2018 là do nhu cầu thị trường được đẩy lên mức cao. Song, về giá xuất khẩu bình quân thì phần lớn nhờ vào việc thay đổi cơ cấu xuất khẩu gạo, thay vì xuất khẩu chủ yếu gạo thường như trước đây thì hiện khối lượng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo nếp… hoàn toàn chiếm ưu thế (hơn 80% chủng loại gạo xuất khẩu). Lượng gạo sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ cũng chiếm tỷ lệ cao dần qua từng năm. Dự kiến, năm 2018, xuất khẩu gạo nước ta đạt 6,5 triệu tấn, tăng 700 nghìn tấn so với năm 2017, trong đó cơ cấu gạo thường cũng chỉ chiếm dưới 20%.
Không chỉ giá gạo xuất khẩu tăng cao mà giá lúa cũng tăng tương ứng tại hầu khắp các tỉnh ÐBSCL. Tại tỉnh Ðồng Tháp, bình quân giá bán lúa vụ đông xuân 2017 - 2018 đạt khoảng 5.850 đồng /kg lúa khô, cao hơn vụ đông xuân năm 2016 - 2017 từ 650 đến 750 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 20 đến 22 triệu đồng/ha, cao hơn 10 đến 15 triệu đồng so với trước. Ông Võ Văn Hiền ở xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp, chia sẻ: Giá lúa tăng, lại được các doanh nghiệp bao tiêu, nhất là các loại giống chất lượng cao, đặc sản, sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc theo hướng hữu cơ khiến nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Nhiều hộ dân trên địa bàn đang dần chuyển từ gieo trồng giống thường sang các loại giống theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Là thành viên Hợp tác xã Khiết Tâm, anh Ðoàn Văn Minh ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cho biết: Trước đây, nói chuyển đổi giống lúa chất lượng cao, trồng lúa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp hay theo tín hiệu của thị trường, chúng tôi nghe thấy mù mờ lắm. Nhưng sau vài vụ mạnh dạn thay đổi, từ giống lúa đến cách thức canh tác, chăm sóc… đã thấy hiệu quả hơn hẳn, từ chất lượng lúa, giá lúa cho đến môi trường đồng ruộng sạch sẽ, bớt ô nhiễm hơn nhiều.
Hiệu quả từ thay đổi tư duy sản xuất lúa gạo phần nào có thể nhìn thấy từ con số tăng trưởng xuất khẩu về sản lượng và giá trị. Nhưng hơn hết, chính là từ mức tăng lợi nhuận đem lại thu nhập ổn dịnh cho người trồng lúa, là sự thay đổi thành công tập quán canh tác, tư duy sản xuất của nông dân vùng ÐBSCL... Ðó sẽ là tiền đề để ngành nông nghiệp Việt Nam tiến tới một nền sản xuất lúa gạo hàng hóa phát triển bền vững và cho giá trị gia tăng cao nhất.
Năm 2016, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 435 USD/tấn, năm 2017 là 450 USD/tấn. Những tháng đầu năm 2018, giá gạo Việt xuất khẩu đã tăng lên 503 USD/tấn.
Theo TIẾN ANH/nhandan.com.vn