Cập nhật: 04/06/2018 15:54:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kỳ II: Tình nguyện cho biển đảo

Một câu hỏi lay trở trong tôi, điều gì đã làm nên sức sống của Trường Sa, của Nhà giàn DK1? Trong hải trình ăn trên sóng, hát trên sóng, gặp gỡ những gương mặt sạm nắng gió, các bạn trẻ với nhiệt huyết và tinh thần cống hiến đã giúp tôi có câu trả lời. Đất trời dài rộng, lịch sử luôn có những biến động, nhưng mỗi đóng góp dựng xây, mỗi sự hy sinh để bảo vệ bờ cõi đất nước sẽ được muôn đời sau khắc ghi.

Văn nghệ trên đảo Tốc Tan C.

Quê em ở Trường Sa

Nắng chói gắt rồi mưa xối xả. Bất chợt, không hẹn trước. Nhưng điều đó không cản bước những bạn trẻ ao ước đặt chân lên đảo Trường Sa lớn, được coi là “viên ngọc” giữa biển khơi bao la. Điều kiện sinh hoạt trên đảo Trường Sa bây giờ đã tốt hơn trước rất nhiều, song mỗi quân nhân, người dân nơi đây vẫn đang phải gắng gỏi gấp đôi để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì được “chỉ điểm” trước nên sau khi cùng đoàn thực hiện các nghi lễ, tôi đi tìm những giáo viên tình nguyện ra công tác. Đó là thầy Phạm Trung Việt và thầy Đồng Minh Hiệp, đã gieo cho con chữ nảy mầm nơi đây được 5 năm. Thầy Hiệp (sinh năm 1991) còn chưa có gia đình, nói rằng sẽ tiếp tục cống hiến vì hòn đảo đã “hóa tâm hồn”. Phía sau nụ cười lạc quan của hai thầy giáo trẻ, ít ai biết được rằng, họ cũng từng chịu áp lực, hoang mang trước lựa chọn của mình. Nhưng rồi họ đã đến, sống, cống hiến và họ đã yêu. Yêu đảo và yêu người. Rồi từng ngày thêm yêu đất nước và ý thức rõ hơn về trách nhiệm đóng góp của mình. Từ đó sẽ thấu hiểu hơn và đồng cảm nỗi vất vả của những người đi trước, đã đổ mồ hôi, nước mắt, xương máu để giữ đất, giữ biển đảo. Thầy giáo Hiệp chia sẻ thêm, trên đảo có 13 học sinh, nhưng lại ở các độ tuổi khác nhau nên việc phân phối chương trình dạy cũng là một vấn đề để việc học của các em không bị rời rạc, thầy dạy cũng không buồn vì lớp ít học sinh. “Em dạy các em lớp 1, 2 và 3, còn thầy Việt dạy các em lớp 4 và 5. Trong phòng học ghép chung, anh chị lớp 3 ngồi làm phép tính thì học trò lớp 1 cầm bút chì nắn nót từng chữ cái. Mỗi em quay một hướng. Học sinh ngộ lắm, có khi các em ngồi trong lớp đông hơn danh sách chính thức, vì có nhóc học chiều nhưng buổi sáng đã đến ngồi cùng anh chị”, Hiệp tự hào.

Với tinh thần đoàn kết quân - dân, mỗi học sinh trên đảo được coi như những “chiến sĩ nhí” mặc áo vằn cánh sóng. Bộ đội quý các em và gia đình các em. Gia đình các em cũng động viên con cái học tốt, bản thân họ chấp hành chủ trương, đánh bắt đúng giờ, cùng bảo đảm an toàn chung quanh đảo. Theo từng con chữ, các em dần lớn lên giữa biển trời sóng nước. Ngoài học tri thức, các em còn được giáo dục tinh thần bám đảo, giữ biển. Trân trọng cống hiến của các thầy giáo nơi đảo xa và giá trị tinh thần mà các em học sinh mang lại, ông Hoàng Phước Sơn, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Trường Sa có cách chia sẻ rất văn chương: Các chiến sĩ nhỏ tuổi góp phần làm cho cuộc sống trên viên ngọc này thêm sinh động, nhất là nụ cười, trò chơi của các em. Các em cũng thuộc tên của nhiều cán bộ chiến sĩ. Còn các thầy giáo như con ong cần mẫn gieo ước vọng.

Đảo Sơn Ca, Song Tử Tây cũng có những con ong thợ - là các chiến sĩ dạy chữ. Như chàng trai Lê Xuân Quyết có giọng trầm, ấm, sáng ngời một ý chí hướng về biển đảo. Cuối năm 2012, Quyết chưa đầy 23 tuổi, đang dạy học ổn định ở Trường tiểu học Vạn Thọ (nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) thì nghe tin Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa tuyển dụng giáo viên ra giảng dạy tại Trường Sa, anh Quyết đã viết đơn xin ra đảo dạy học và được cơ quan chức năng chấp thuận, được cử làm việc tại Song Tử Tây. Lúc ấy, nhiều người đặt câu hỏi tại sao công việc đang ổn định, Quyết lại chọn công việc khó khăn hơn, xa con nhỏ, xa người vợ trẻ? Không do dự, anh trả lời: “Để cống hiến! Trường Sa không chỉ là nơi tôi biết đến qua sách báo, mà là nơi tôi sẽ sống”. Hơn thế, chính mẹ ruột của anh đã từng cản ngăn vì nơi xa ấy muôn chừng vất vả, sau thấy sự quyết tâm của con, bà đã ủng hộ. Quyết thưa với mẹ: “Bộ đội mình ở được thì con cũng ở được. Xin mẹ yên tâm”.

Đến bây giờ, Quyết vẫn chưa thể nào quên cảm xúc lần đầu đặt chân lên đảo Song Tử Tây, tháng 3-2013 sau khi trải qua hành trình 14 ngày cùng đoàn công tác năm đó đi thăm một số đảo nổi, đảo chìm và Nhà giàn DK1. “Dù đã biết được điều kiện ở đây qua các phương tiện thông tin, nhưng khi lần đầu đặt chân đến vùng đất giàu có nắng gió này, tôi mới hiểu rằng cuộc sống của các chiến sĩ, người dân trên đảo vô cùng vất vả. Nhưng tôi thấy tự hào, vững tin cùng thầy giáo trẻ Lê Văn Mạnh dạy học”, thầy Quyết bộc bạch.

Mấy năm đầu công tác, đảo chưa có phòng học riêng cho các em mà dùng tạm nhà của bộ đội, cả thầy và trò đều phải vật lộn với khó khăn, vất vả. Cuối năm 2015, niềm vui khôn xiết đã đến với thầy và trò đảo Song Tử Tây khi nhà trường được một đơn vị tài trợ xây dựng ngôi trường mới khang trang, thoáng mát. Điều kiện tốt hơn, các em học tập tiến bộ hơn. Nhiều em đã thuộc thơ về biển đảo, nắn nót viết trên bảng, trong sách. Sau gợi ý của thầy Quyết, bé Quỳnh Thư đứng lên đọc bài thơ Quê em ở Trường Sa: “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la…”. Đọc xong, Quỳnh Thư còn tự vỗ tay, nói cảm ơn thầy Quyết. Nhờ thầy em được biết cái chữ.

Câu ca vang vọng đất trời

Quỳnh Thư không chỉ biết đọc thơ, mà còn biết hát. Cô bé lập tức được Đoàn văn công Biển xanh (Bình Thuận) mời lên hòa cùng những khúc ca giản dị. Tôi đã nghe hát nhiều về biển, nhưng đi biển và lên đảo, nghe những ca sĩ trẻ năng động của Đoàn văn công Biển xanh thấy thấm và xúc động đến kỳ lạ. Không ít bạn trẻ thấy rưng rưng, bởi trong lời hát vọng về những ký ức can trường của các thế hệ đi trước, niềm tự hào của tuổi trẻ hôm nay với cán bộ và chiến sĩ Trường Sa.

Thầy và trò ở Song Tử Tây

Trong chuyến tình nguyện mang lời ca tiếng hát đến với các chiến sĩ, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Nhà hát Biển xanh Bình Thuận, kiêm Trưởng Đoàn văn công Biển xanh cho hay, Nhà hát đã chọn 10 gương mặt trẻ, có sức khỏe, đa năng nhất cho chuyến đi cùng Đoàn công tác số 14, vừa bảo đảm sự gọn nhẹ vừa đạt hiệu quả cao nhất. Các thành viên đều là những bạn trẻ đa năng, biết hát, múa, dẫn chương trình, có lúc lại đóng vai trò là hoạt náo viên, cùng đoàn viên thanh niên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao lưu văn nghệ nhiệt tình với các chiến sĩ. Tôi ấn tượng với bạn trẻ Lê Trọng Bình, biết sử dụng hơn 20 loại nhạc cụ khác nhau, có giọng ca khỏe khoắn, giàu cảm xúc, đóng vai trò là Phó trưởng Đoàn văn công Biển xanh, linh hồn của chuyến lưu diễn tình nguyện này.

Trò chuyện với Bình, tôi nhận thấy cách nghĩ và cách dấn thân của chàng trai khá đặc biệt. Đặc biệt là bởi Đoàn văn công Biển xanh luôn hướng về những vùng sâu, vùng xa mà không chọn thành phố. “Ở những nơi đó vẫn rất thiếu thốn tiếng hát. Em nghĩ người ca sĩ, diễn viên là chiến sĩ văn hóa, phải mang văn hóa về cơ sở, những nơi người dân khao khát”, Bình bộc bạch.

Không chỉ tôi mà cả đoàn công tác đều nể sức làm việc của các thành viên Đoàn văn công Biển xanh. Trong chuyến lưu diễn này, họ đã vượt lên khó khăn và làm gấp đôi sức lực. Nắng gió, sóng biển làm không ít người thấm mệt. Trong khi đó các bạn trẻ tuổi đôi mươi này phải vận chuyển và vận hành hệ thống âm thanh, nhạc cụ để phục vụ cho các buổi giao lưu trên mỗi hòn đảo. Rồi các bạn chuẩn bị trang phục biểu diễn, lại nhảy, múa, hát, mà việc gì cũng hết mình. Cuối buổi giao lưu, các bạn lại khăn gói, chuyển đồ xuống ca-nô, về tàu. Trên tàu, trong điều kiện chật hẹp, thiếu thốn, họ lại miệt mài khớp chương trình, tiết mục để buổi sau phục vụ khán giả.

Mỗi năm đều có các nghệ sĩ, ca sĩ, các đoàn văn công lưu diễn đến Trường Sa. Nhưng đây là đoàn gồm những bạn trẻ nhất, chỉ mười tám, đôi mươi, mang ước vọng đóng góp lời ca cho các chiến sĩ nơi biển đảo. Phục vụ khán giả là lính, nên các tiết mục văn nghệ phải rất… lính! Đêm ấy, sau chương trình văn nghệ, các ca sĩ về tàu. Cơn mưa bất chợt dội xuống. Tôi ở lại đêm trên đảo nghe mưa rơi, gió gào và chứng kiến các chiến sĩ thay nhau trực. Suốt đêm tôi không ngủ vì trăn trở về bài vở và những kỷ niệm của các chuyến đi trước dội về. Các chiến sĩ kể, có lần bão lớn anh em dồn lên ở nhà tầng. Bão làm đổ cây, gãy cành, giữa đêm nước sóng biển tràn lên hết đảo vì sóng cao có khi gần chục mét. Trận bão số 16 năm 2017 đã tàn phá rất nhiều cây xanh ở quần đảo Trường Sa. Bão tan, các chiến sĩ dựng lại, trồng lại những hàng cây, ô rau xanh. Cây lại đan bện áo xanh cho đảo. Đảo tiếp tục nở hoa.

Mưa tạnh, đảo Trường Sa gió lộng và mát mẻ, trăng ló dạng và sáng trong chớp mắt, đẹp làm sao. Tiếng sóng biển ầm ào dội vào bờ đá, một âm thanh vừa xa xôi vừa thân thương đến lạ kỳ. Bình minh lên. Đoàn rời cảng, tiếp tục hải trình. Các thành viên chuyền tay nhau đọc những bài thơ mà các chiến sĩ chép tặng, trong đó có thơ chính các chiến sĩ, giáo viên của đảo làm. Cũng có thơ của những nhà thơ đến thăm đảo tặng các chiến sĩ. Trong đó có những câu rất gợi: “Những người lính/ Mặt trẻ tóc già/ Con tem nhỏ dán vào góc biển/ Biển thành phong thư vĩ đại của đất trời…”.

Đoàn cũng đón nhận một mảnh giấy nhỏ, do một học sinh viết nắn nót hàng chữ: “Chúng con là con của đảo. Chúng con sẽ chăm ngoan học giỏi”. Những hàng chữ non nớt và sự ngộ nghĩnh của các em khiến mọi người xúc động, khơi gợi những ước vọng cống hiến, chung tay vì biển đảo, vì những chồi xuân giữa muôn trùng nắng gió.

Theo NGUYỄN VĂN HỌC/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm