Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó từ 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục, tuy nhiên theo đánh giá đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và trên thực tế con số trẻ em bị xâm hại trên có thể còn cao hơn vì chưa được báo cáo, tổng hợp đầy đủ. Điều này đang khiến dư luận xã hội rất bất bình, bức xúc, gây bất an cho nhiều gia đình.
Thực tế, các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%.
Xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kỳ trẻ nào vào bất kỳ thời điểm nào, bất cứ đâu. Cả bé trai và bé gái đều có thể bị xâm hại tình dục. Và hơn hết, hậu quả mà nó để lại không chỉ là những tổn thương ngoài cơ thể mà còn là những ám ảnh tinh thần. Nỗi đau và những ảnh hưởng khi bị xâm hại tình dục, có khi trẻ phải mang theo đến hết cuộc đời.
Không chỉ người lao động tự do hay không có nghề nghiệp mới là thủ phạm, mà trong đó có cả giám đốc ngân hàng, thầy giáo, cán bộ văn hóa, tổ trưởng dân phố... Tất cả những thông tin về thủ phạm thực sự tạo ra cú sốc cho xã hội.
Chưa bao giờ nạn xâm hại tình dục trẻ em được dư luận tập trung chú ý như hiện nay. Những tin tức khủng khiếp, đau lòng về xâm hại tình dục trẻ em khiến chúng ta bất an, trong khi việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương một số nơi về công tác trẻ em còn chưa thực sự đầy đủ, công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân chưa sâu rộng…
Vì thế trong thời gian tới, để bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt nạn xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, theo các chuyên gia tâm lý, trước tiên cần sự phối hợp và hỗ trợ đồng bộ cả các ban ngành tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em.
Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình cần kịp thời trình báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết. Ngoài ra, trong công tác phòng ngừa xâm hại tình dục ở trẻ em cũng rất cần sự phối hợp giữa trẻ và gia đình. Gia đình và nhà trường cần cung cấp cho trẻ em những kiến thức cơ bản nhất về giới tính.
Vũ Hải
Theo suckhoedoisong.vn