Những ngày gần đây, nhiệt độ tăng cao bất thường khiến trẻ dễ bị say nắng, sốc nhiệt...
Thời tiết nắng nóng vào mùa hè có thể gây ra một số bệnh lý nguy hiểm ở trẻ em. Bố mẹ cần hiểu được các bệnh lý thường gặp vào mùa nắng nóng để biết cách phát hiện, xử trí và phòng ngừa cho trẻ.
Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh (Khoa Cấp cứu - Chống độc, bệnh viện Nhi Trung ương), một trong những bệnh thường gặp nhất là say nắng. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm do nắng nóng. Để có thể hoạt động bình thường, cơ thể phải liên tục duy trì nhiệt độ ở mức 37 độ C. Thân nhiệt chịu sự kiểm soát chặt chẽ của tuyến dưới đồi nằm ở não.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh đáng khám bệnh cho trẻ.
Khi trẻ ở quá lâu ngoài trời nắng, tia nắng sẽ chiếu thẳng vào các vùng cổ gây khiến trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị rối loạn, gây rối loạn điều hòa thân nhiệt và tình trạng mất nước. Khi bị say nắng, trẻ thường có dấu hiệu mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu…
Các dấu hiệu khác như da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi), mạch nhanh, chóng mặt, buồn nôn. Tình trạng nặng hơn là trẻ hôn mê, rối loạn ý thức. Khi bị say nắng, thân nhiệt của trẻ có thể lên tới 39,5 độ hoặc cao hơn. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc di chứng thần kinh nặng nề nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Vinh khuyến cáo, say nắng là tình trạng cấp cứu vì thế khi thấy trẻ có những dấu hiệu như trên, cần nhanh chóng chuyển trẻ tới khu vực râm mát, thông thoáng. Nhanh chóng hạ thân nhiệt của trẻ bằng bất cứ biện pháp nào, ví dụ cởi bớt quần áo, dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc trẻ trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh.
Đặc biệt, nếu thấy trẻ có dấu hiệu mất nước, cần bù nước và các dung dịch điện giải bằng đường uống cho trẻ. Quan trong nhất là phải nhanh chóng đưa trẻ đến trung tâm cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt cho trẻ.
Những ngày gần đây, bệnh viện Nhi Trung ương "tấp nập" trẻ đến khám.
Để phòng ngừa say nắng, mất nước, các bậc cha mẹ không để trẻ ở quá lâu ngoài trời hoặc trong môi trường nóng bức, cung cấp nước đầy đủ cho trẻ để tránh mất nước khi trời nắng nóng. Đồng thời, phải luôn đảm bảo cho trẻ ở trong môi trường thoáng mát.
Ngoài ra, vào mùa nắng nóng, các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ em cũng là một trong những nguyên nhân hay gặp khiến trẻ nhập viện.
Theo bác sĩ, nguyên nhân khiến trẻ nhập viện thường do thức ăn, nước uống không được đảm bảo vệ sinh, dẫn đến các bệnh lý như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy làm cho trẻ bị mất nước và điện giải.
Khi trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, cần phải bù nước và điện giải bằng đường uống. Nếu trẻ mất nước nặng hoặc không uống được cần đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, cần ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ vệ sinh cá nhân và xử lý chất thải đúng quy định
Bác sĩ Vinh cũng cho biết một số bệnh lý nguy hiểm khác thường xảy ra vào mùa nắng nóng như viêm não, tay chân miệng, sốt xuất huyết… Đề phòng ngừa, bố mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng. Ngoài ra, khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế để phát hiện bệnh kịp thời./.
Theo N.Y/VOV.VN