Cập nhật: 03/12/2018 19:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau 15 năm thành lập, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Tam Đảo có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, an ninh chính trị ổn định, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Đặc biệt Tam Đảo trở thành huyện trọng điểm du lịch của tỉnh với khu danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch Tam Đảo nổi tiếng trong và ngoài nước. 

Khi mới thành lập, huyện Tam Đảo gặp không ít khó khăn, kinh tế kém phát triển, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Song với quyết tâm xây dựng huyện phát triển, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Đảo đã đoàn kết và khắc phục khó khăn, đồng thời tích cực khai thác tiềm năng thế mạnh. Sau 15 năm thành lập, huyện Tam Đảo đã thay da đổi thịt với kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Cơ cấu kinh tế của huyện từng bước chuyển dịch tích cực, nếu như năm 2005 cơ cấu giá trị sản xuất Ngành Nông - lâm - nghiệp chiếm 60,77% thì đến năm 2018 cơ cấu kinh tế được thể hiện cụ thể: ngành Nông - lâm - nghiệp chỉ còn 32,2%; du lịch, dịch vụ, thương mại 38,2% và công nghiệp - xây dựng 29,47%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt trên 10%/năm. Năm 2018 Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt trên 46 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 880,6 tỷ đồng. Đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Được xác định là huyện trọng điểm về du lịch, thời gian qua huyện đã tập trung chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế du lịch của huyện theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng ngành du lịch - dịch vụ; đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho quá trình phát triển du lịch. Trên cơ sở đó huyện đã đẩy mạnh Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch có nhiều đổi mới; thực hiện xúc tiến cải thiện môi trường đầu tư. Trên địa bàn huyện hiện có trên 40 dự án đang được đầu tư trong đó có những dự án trọng điểm của tỉnh với số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, huyện Tam Đảo đã và đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng, phát triển Tây Thiên là khu trung tâm du lịch văn hóa và tâm linh của tỉnh, của vùng mà điểm nhấn là phục dựng và tổ chức thành công lễ hội Tây Thiên hàng năm. Trong đó tập trung vào việc quản lý tốt di tích và bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, công tác vệ sinh môi trường và các hoạt động kinh doanh dịch vụ, hướng dẫn du khách nhằm hướng đến mục tiêu làm thỏa mãn, hài lòng và phục vụ tốt cho du khách khi đến hành hương, làm lễ tại Tây Thiên. Huyện chỉ đạo xã Đại Đình chủ động xây dựng nhiều giải pháp phát huy tiềm năng lợi thế khu danh thắng Tây Thiên, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, vừa đầu tư, vừa xã hội hóa, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Tam Đảo đã huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Đến nay, toàn huyện có 100% đường trục liên xã được cứng hóa; 75,4% đường trục thôn được bê tông hóa; có trên 61% đường trục chính giao thông nội đồng được bê tông hóa. 100% các xã, thị trấn có trung tâm văn hóa, đài truyền thanh, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 85%, làng văn hóa đạt gần 84%, đơn vị văn hóa gần 90%. Nhờ đó diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Tam Đảo đã thay đổi cơ bản. Đến nay, đã có 8/8 xã đã đạt các tiêu chí và đã có 7 xã được công nhận là xã nông thôn mới. Huyện Tam Đảo cơ bản đã đạt các tiêu chí của một huyện nông thôn mới.

Trong sản xuất nông nghiệp, Tam Đảo hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, điển hình như các mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cây cà tím và mô hình nuôi cá tầm, cá nheo Mỹ tại Đạo Trù; mô hình trồng rau, hoa tại thị trấn Tam Đảo; mô hình nuôi lợn nái sinh sản ở Bồ Lý, Yên Dương; mô hình nuôi gà đẻ trứng ở Tam Quan, nuôi chim bồ câu ở Hợp Châu; mô hình trồng cây dược liệu ba kích với diện tích trên 10.000 m2 tại Đại Đình. Xã Hồ Sơn, nơi được coi là “thủ phủ” của nghề trồng su su lấy ngọn, nhiều hộ dân ở đây đã giàu lên từ trồng rau su su. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã Hồ Sơn ước đạt 38 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, lĩnh vực văn hoá - xã hội của huyện Tam Đảo cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được quan tâm, quy mô trường lớp được mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường các nguồn lực. Hiện nay, toàn huyện có 35/40 trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được duy trì ổn định; phổ cập giáo dục các bậc học được thực hiện đúng độ tuổi với chất lượng tốt; kết quả giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn đều tăng về chất lượng và số lượng giải. Trường THCS Tam Đảo là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành GD và ĐT huyện, hàng năm luôn có trên 100 học sinh, giáo viên đạt giải cấp tỉnh và cấp Quốc gia.

Cùng với đó huyện Tam Đảo làm tốt công tác giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động, bình quân hàng năm giới thiệu việc làm cho trên 3.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 30%. Với nỗ lực của các cấp, các ngành và sự vươn lên trong cuộc sống của người dân, công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện đạt được kết quả tích cực. Theo rà soát năm 2004 còn 14% hộ nghèo đói thì đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 4,76%, không còn hộ đói. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tiếp tục được giữ vững; quốc phòng an ninh được đảm bảo. Đặc biệt, nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân được huyện tăng cường cả về số lượng đội ngũ cán bộ y tế và chất lượng khám, chữa bệnh, cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ, toàn huyện có 9/9 trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Trung tâm Y tế huyện được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác khám và điều trị cho người dân.

Phát huy truyền thống địa phương anh hùng, những thành quả đã đạt sau 15 năm thành lập huyện đó sẽ là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tam Đảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020 để xây dựng huyện ngày càng giàu mạnh, văn minh và trở thành huyện du lịch trọng điểm của tỉnh và khu vực phía Bắc vào những năm hai mươi của thế kỷ này.

Lê Minh

Tệp đính kèm