Cập nhật: 07/12/2018 12:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong cuộc họp giao ban tháng 11 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành chuẩn bị mọi điều kiện để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân ở tất cả các loại hình vận tải, bảo đảm nhanh chóng, an toàn, thuận tiện, bắt đầu từ việc ứng dụng công nghệ bán vé tự động.

Hành khách làm thủ tục an ninh hàng không tại Sân bay Nội Bài.

Chuẩn bị chu đáo các phương án

Người đứng đầu ngành GTVT đã nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị ngành hàng không phải chuẩn bị thật tốt để tránh tình trạng ùn ứ hành khách tại các sân bay như Tết năm trước. Các cơ quan quản lý và các hãng phải có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến theo hướng chuyến nào chậm phải xử phạt nặng hãng bay để bảo đảm tính răn đe, tránh tình trạng hàng triệu hành khách bị chậm chuyến dây chuyền. Bên cạnh đó, có thể tăng cường một số chuyến bay xuống sân bay Cần Thơ, Cam Ranh để người dân các tỉnh lân cận không phải về TP Hồ Chí Minh, giúp giảm ùn tắc.

Theo Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) Lại Xuân Thanh, thực hiện Chỉ thị số 4356/CT-CHK ngày 24-10 của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) về việc bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ dịp Tết, ACV đã lập kế hoạch cho mọi hoạt động khai thác dịp cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Tổng Công ty đã triển khai đến các đơn vị duy trì nghiêm công tác trực chỉ huy, trực ban tại đơn vị, kịp thời xử lý các tình huống trục trặc kỹ thuật phát sinh cũng như sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn nguy, khẩn cấp có thể xảy ra tại nhà ga, khu hoạt động bay. Ðồng thời, lên phương án bố trí nhân lực, thiết bị bảo đảm an ninh, giảm đến mức thấp nhất tình trạng hành khách bị nhỡ chuyến bay do ùn tắc tại các điểm kiểm tra, soi chiếu; phối hợp đại diện hãng hàng không giải quyết kịp thời vấn đề liên quan trong phục vụ hành khách; có tác phong, lời nói và thái độ văn minh, lịch sự khi tiếp xúc với hành khách, xây dựng hình ảnh chuẩn mực của lực lượng an ninh hàng không,... "Có thể khẳng định, đến thời điểm này, mọi phương án chuẩn bị an toàn, an ninh đã được ACV chuẩn bị chu đáo, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho hành khách", Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh nhấn mạnh.

Thời điểm hiện tại, các hãng hàng không đều đã mở bán vé Tết phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, vé ở các chặng bay còn khá dồi dào nhưng đang ở mức cao. Nhiều người các tỉnh phía bắc đang sinh sống, công tác và học tập ở TP Hồ Chí Minh đang băn khoăn có nên về quê ăn Tết hay không vì giá vé máy bay năm nay tăng khá cao so mọi năm (dao động quanh mức 6 đến 9 triệu đồng/vé khứ hồi hạng phổ thông). Càng những ngày giáp Tết, giá vé càng tăng và biến động mạnh.

Theo đại diện Hãng Vietjet Air (VJA), hãng đã mở bán vé Tết từ giữa tháng 9 vừa qua, việc tăng hay giảm giá vé phụ thuộc thị trường, tuy nhiên sẽ không vượt quá mức trần Cục HKVN niêm yết. Mặc dù giá không vượt quá mức trần nhưng giá vé máy bay dịp Tết tăng cao ngay từ khi mở bán khiến nhiều người phải "kêu trời".

Ðầu tháng 10 vừa qua, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã triển khai bán vé máy bay dịp Tết Nguyên đán trên tất cả các đường bay nội địa. Giai đoạn từ ngày 20-1 đến 19-2-2019, VNA cung ứng 1,4 triệu ghế trên toàn mạng nội địa, tăng hơn 100 nghìn ghế (tương đương 566 chuyến bay) so cùng kỳ.

Hãng hàng không Jetstar Pacific đã triển khai bán gần 600 nghìn chỗ (3.210 chuyến bay) trong dịp Tết Nguyên đán. Hai hãng tiếp tục duy trì dải giá vé rộng với nhiều mức giá linh hoạt nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của hành khách. Trong thời gian cao điểm, hành khách cần thận trọng, mua vé trên website, đại lý, phòng vé chính thức và yêu cầu lấy hóa đơn để bảo đảm không mua phải vé giả, vé bị nâng giá,... Ðể tiết kiệm thời gian làm thủ tục, hành khách nên làm thủ tục trước qua website, ứng dụng di động hoặc tại các quầy tự làm thủ tục (kiosk check-in) đặt ở sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Ðà Nẵng.

Tăng xe, thêm chuyến

Cục trưởng HKVN Ðinh Việt Thắng cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, ngành hàng không sẽ đưa thêm 32 tàu bay vào khai thác, nâng tổng số từ 158 tàu bay lên hơn 180 tàu bay để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, giúp tăng thêm 20% năng lực vận chuyển hàng không trong dịp Tết. Các hãng hàng không đều đăng ký tăng chuyến, dự kiến tăng thêm 5.800 chuyến, trong đó VNA tăng 2.000 chuyến, VJA tăng 3.500 chuyến, còn lại là các hãng khác. Như vậy, trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, sẽ tăng thêm hơn 1,1 triệu ghế. Trong dịp Tết, dự kiến sẽ góp mặt thêm Hãng hàng không mới Bamboo Airways với ba tàu bay.

Còn đối với ngành đường sắt, thời điểm này chỉ còn hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng tại ga Hà Nội không khí khá vắng vẻ, có rất ít khách đến ga mua vé tàu Tết, chủ yếu hành khách mua vé đi tàu ngày thường hoặc đi ngay. Sở dĩ ga không còn chen lấn đông đúc như xưa bởi vài năm nay, ngành đường sắt đã áp dụng mạnh mẽ các công nghệ mới trong bán vé.

Theo Chủ tịch HÐTV Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh, khách đi tàu giờ đây mua vé không cần phải đến ga, các phương thức bán vé của VNR ngày càng đa dạng, qua website bán vé, ứng dụng trên điện thoại thông minh, qua cổng thanh toán liên ngân hàng,… Các loại chỗ, loại tàu, chỗ còn hay hết, hoặc đang chờ bán đều công khai, hành khách hoàn toàn yên tâm khi mua vé tại nhà. Phần lớn hành khách mua vé qua mạng đều hài lòng vì gần như không xảy ra nghẽn mạng, trang mạng bán vé ngày càng được cải thiện, cả về giao diện và tốc độ. Ðến cuối tháng 11, sau gần hai tháng chính thức mở bán vé tàu Tết Nguyên đán, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn bán hơn 200 nghìn vé (đã thanh toán) bằng các hình thức: trực tuyến, thu hộ, qua tổng đài, phần mềm ứng dụng trên điện thoại, mua trực tiếp tại ga,…

Ngoài ra, chưa kể một lượng lớn vé đã đặt chỗ thành công nhưng chưa thanh toán. Ðây là vé trên các mác tàu số chẵn xuất phát trong khoảng thời gian từ ngày 25-1 đến 4-2-2019 và tàu số lẻ từ ngày 5 đến 19-2-2019. Hiện, vẫn còn nhiều chỗ cho hành khách mua vé tàu Tết, từ nam ra bắc còn gần 30 nghìn vé, chiều ngược lại còn hơn 46 nghìn vé. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian trước Tết chiều từ bắc vào nam, việc mua vé ưng ý không phải dễ dàng. Anh Ðỗ Mạnh Hưng (phố Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phàn nàn, gia đình anh muốn đặt vé tàu Thống Nhất về quê TP Vinh dịp Tết nhưng đã hết vé. Tuy hệ thống bán vé cho biết vẫn còn một lượng vé nhất định nhưng trước mắt chỉ ưu tiên bán chặng dài, không biết khi nào ngành đường sắt mới "cắt chặng" để bán cung ngắn.

Ðối với đường bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải tính toán phương án tăng chuyến, bố trí xe dự phòng bảo đảm tinh thần không để hành khách nào không có xe về quê đón Tết. Lâu nay trong dịp Tết, tại các tỉnh phía nam thường tăng giá vé xe khách từ 30 đến 40% để phụ thu chiều rỗng. "Các cơ quan chức năng cần xem xét việc tăng này có chính đáng hay không, có gây thiệt thòi cho hành khách hay không?", Bộ trưởng nêu vấn đề.

Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch vận tải Tết bảo đảm chất lượng xe buýt tham gia hoạt động trên tuyến, số lượng xe dự phòng cao nhất để giải tỏa lượng khách dịp cao điểm tại các bến xe và kịp thời giải tỏa khách đi các tỉnh khi có yêu cầu. Các bến xe phải tổ chức tốt dịch vụ hành khách và phương tiện, niêm yết số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo bến xe, công bố công khai giá cước vận tải; bố trí thêm quầy bán vé, không để hành khách phải xếp hàng chờ đợi.

Bài và ảnh: LƯƠNG TUẤN HÙNG 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm