Cập nhật: 10/12/2018 08:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tỉnh Vĩnh Phúc hội tụ đủ các yếu tố để cây dược liệu phát triển. Công tác khai thác, bảo vệ, bảo tồn nguồn dược liệu tự nhiên và gây trồng còn giúp nông dân có thêm thu nhập. Với việc xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm từ cây dược liệu sẽ giúp Vĩnh Phúc nâng cao tầm giá trị, tiến đến phát triển bền vững thương hiệu của địa phương.

Với chủ trương mỗi địa phương gắn với 1 sản phẩm đặc trưng, trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Y tế triển khai nhiều mô hình trồng cây dược liệu tại huyện Tam Đảo, tiến tới quy hoạch vùng trồng cây dược liệu và tạo ra những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, cây ba kích tím là một trong những loại cây dược liệu được hội nông dân tỉnh đặc biệt chú ý.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đảo ngày càng có nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng từ việc trồng cây dược liệu ba kích tím. Đây là loại cây dễ trồng, nếu chăm sóc tốt sẽ cho giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, trên thực tế, cây dược liệu của nông dân trồng vẫn ở hình thức tự túc, quy mô nhỏ lẻ, chưa được triển khai rộng lớn. Đây cũng là thách thức lớn trong việc đưa cây dược liệu vùng núi Tam Đảo trở thành thương hiệu trên thị trường. Do vậy, Hội Nông dân tỉnh kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong việc tiếp sức với bà con nông dân trồng cây dược liệu bằng cách thu mua trực tiếp, tạo ra những sản phẩm từ cây ba kích có mẫu mã, bao bì đẹp mắt, đạt chuẩn về chất lượng góp phần quảng bá sản phẩm từ cây ba kích tới khách du lịch.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cho biết: Nếu quảng bá tốt sản phẩm của địa phương, không những thương hiệu từ sản phẩm dược liệu của Vĩnh Phúc sẽ ngày càng vang xa, mà từ đó giúp Vĩnh Phúc trở thành vùng dược liệu nổi tiếng của cả nước, góp phần tích cực trong công cuộc xóa nghèo trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển./.

Thu Thủy

Tệp đính kèm