Với việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai từ tỉnh đến cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong thực hiện các quyền, các giao dịch về đất đai trên địa bàn tỉnh; bước đầu thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính theo công nghệ thông tin hiện đại; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân lần đầu được tăng lên.
Hiện nay, Văn phòng ĐKĐĐ có trụ sở đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường và 9 chi nhánh tại các huyện, thành phố. Văn phòng và các chi nhánh có chức năng thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai và cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định.
Mô hình này đã thống nhất một đầu mối chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý đất đai, đồng thời giải quyết nhiều vướng mắc, tồn tại trong hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất 2 cấp trước đây. Mô hình cũng bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính về Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất một cách đơn giản, thuận tiện theo cơ chế một cửa. Trước đây, hồ sơ Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân được Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất cấp huyện, thành phố thực hiện theo quy định và trình UBND cấp huyện, thành phố ký giấy chứng nhận. Còn hiện nay, cá nhân, hộ gia đình nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, thành phố. Sau khi kiểm tra, thẩm định, hồ sơ sẽ được chuyển đến Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh. Tại đây, sau khi rà soát, chỉnh lý phù hợp với quy định Luật Đất đai năm 2013, thông tin hồ sơ đất đai được chuyên viên nhập vào cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời, trình lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường ký, cấp giấy chứng nhận rồi trả về UBND cấp huyện, thành phố trao cho người dân.
Áp dụng mô hình này, số lượng Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai:
- Từ 68 Thủ tục hành chính giảm xuống còn 34 Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Từ 42 Thủ tục hành chính giảm xuống còn 11 Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của huyện, thành phố;
- Hủy bỏ 30 Thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của xã.
Tỉnh ta đã từng bước thực hiện chủ trương giảm đầu mối các cơ quan có thẩm quyền, rút ngắn thời gian thực hiện Thủ tục hành chính, giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí của người dân và ngân sách nhà nước.
- Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết trên 50.000 hồ sơ Đăng ký cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, đã giải quyết trả kết quả đúng hẹn đạt trên 90% hồ sơ.
Vĩnh Yên là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Các hoạt động liên quan đến đăng ký, chuyển nhượng đất đai diễn ra tương đối lớn. Với tinh thần phục vụ hết mình, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Vĩnh Yên đã khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đảm bảo các giao dịch tài sản khác, đồng thời, giải quyết nhiều vướng mắc pháp lý của người dân trong lĩnh vực đất đai.
Trong năm 2018, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Vĩnh Yên tiếp nhận và giải quyết trên 11.000 hồ sơ. Trong đó:
- Cấp mới, cấp đổi, thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất 3.300 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng 30% so với năm 2017;
- Đính chính sai sót hồ sơ trên 500 hồ sơ;
- Đăng ký giao dịch đảm bảo trên 5.000 hồ sơ
- Và chỉnh lý biến động trên 3.000 thửa đất.
Hiện nay, việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận được đơn giản hóa, ngày càng thuận lợi hơn cho người dân như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, đăng ký thế chấp, đăng ký biến động… nên lượng hồ sơ tồn đọng được giảm thiểu đáng kể. Hiệu quả cải cách hành chính trong công tác quản lý đất đai tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Vĩnh Yên còn gặp một số khó khăn trong quá trình giải quyết công việc.
Năm 2018, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh Yên Lạc được giao chỉ tiêu giải quyết 2.500 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 2.500 hồ sơ đăng ký giao dịch đảm bảo và 600 hồ sơ đăng ký biến động đất đai. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Yên Lạc đã chủ động thực hiện tiếp nhận, hướng dẫn kê khai và hoàn thiện hồ sơ; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký có nhiều biến động, lồng ghép các thủ tục hành chính để đảm bảo hồ sơ nộp một lần nhưng cho ra nhiều kết quả, giảm số lần đi lại của người đến đăng ký, từng bước đem lại niềm tin cho người dân về công tác cải cách hành chính của Nhà nước.
Bên cạnh đó, niêm yết công khai số điện thoại của công dân và cán bộ thụ lý hồ sơ để việc trao đổi thông tin giữa cán bộ với công dân được thuận tiện, kịp thời. Với những hồ sơ chưa đủ điều kiện, phải trả lại cho công dân, Văn phòng có văn bản thông báo về tình trạng hồ sơ để công dân biết. Với phương châm “Sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức”, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Yên Lạc đã từng bước giải quyết số lượng hồ sơ chậm tiến độ, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong những năm qua.
Thông qua hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai việc thực hiện các Thủ tục hành chính về đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất trên toàn tỉnh, qua đó kịp thời phát hiện những sai sót, chồng chéo; có sự thống nhất cao về chuyên môn, đúng quy định của pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại chi nhánh các huyện, thành phố. Hồ sơ đất đai được kiểm tra chặt chẽ về tính pháp lý, giải quyết kịp thời nhiều vướng mắc chuyên môn, quản lý tốt biến động đất đai, nhất là việc tách thửa, không để xảy ra tình trạng chia cắt manh mún, không đúng quy định; việc cập nhật các biến động, quản lý dữ liệu địa chính đã đi vào nề nếp. Chất lượng thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh do Văn phòng Đăng ký đất đai kiểm tra trước khi trình ký.
Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp đã khẳng định rõ những ưu thế. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng sẽ giúp văn phòng đăng ký đất đai các cấp phát huy hiệu quả cao hơn.
Lê Dũng