Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, xảy ra trên mọi lứa tuổi của lợn với tỷ lệ nhiễm bệnh chết rất cao. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành phải kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào Vĩnh Phúc và người chăn nuôi cũng cần chủ động trong công tác phòng dịch cho chính đàn vật nuôi của mình.
Không chỉ công nhân mà tất cả các phương tiện khi ra vào trang trại của gia đình ông Nguyễn Nam Hải, thôn Nam Thịnh, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương đều được phun khử trùng tiêu độc theo đúng quy trình. Ngoài ra, ông Hải còn tăng cường theo dõi đàn lợn và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm bảo vệ an toàn cho đàn lợn.
Tam Dương là một trong những địa phương chăn nuôi đàn lợn lớn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn huyện có gần 100 nghìn con lợn, với gần 20 trang trại chăn nuôi quy mô từ 500 con trở lên. Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật, tập trung vào dịch tả lợn châu Phi đến từng thôn, xóm, hộ chăn nuôi nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nhanh khi có ổ dịch phát sinh; chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay tại địa phương.
Biện pháp thiết thực nhất để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi là buộc phải chăn nuôi an toàn sinh học ở tất cả các trại nuôi, tuyệt đối không dùng kim tiêm chung cho các con vật, buộc tiêu huỷ ngay cả đàn khi phát hiện chỉ một con lợn trong đàn hay các đàn lân cận nhiễm bệnh; cấm vận chuyển lợn ra vào vùng đã nhiễm bệnh.
Hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhất là dịch đang có chiều hướng lan nhanh tại Trung Quốc, vì vậy công tác phòng chống dịch càng trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi phát triển ổn định./.
Đặng Thưởng