Cập nhật: 19/12/2018 16:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Rác thải nhựa và nylon đang là vấn nạn môi trường nhức nhối của thế giới và cả Việt Nam. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới con người thải ra 9 triệu tấn rác thải nhựa, nylon. Trong số đó chỉ có 27% chúng được xử lý và tái chế.

Các sản phẩm từ nhựa và ni lông ra đời đã mang lại không ít tiện ích cho đời sống con người, nhưng việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh vật. Phải mất hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Trong hàng ngàn năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường.

Theo báo cáo của Sở TN-MT Vĩnh Phúc, tỷ lệ tái chế rác thải nhựa tại tỉnh ta còn rất khiếm tốn. Việc tái chế được thực hiện chủ yếu tại các làng nghề, công nghệ lạc hậu bởi thế việc tái chế còn tiếp tục phát sinh ô nhiễm. Việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện rộng khắp là nguyên nhân chính yếu khiến việc tái chế rác, nhất là rác thải nhựa chưa có hiệu quả. Việc hạn chế rác thải nhựa đòi hỏi vừa có chính sách sản xuất, phân phối, kiểm soát phù hợp, vừa cần tinh thần tự giác của người dân, bởi việc sử dụng đồ nhựa đã trở thành thói quen ăn sâu vào lối sống của người dân.

Ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta hãy tạo thói quen suy nghĩ về nhiều khía cạnh để tiêu dùng một cách tỉnh táo, như vậy sẽ không chỉ tốt cho Trái đất mà còn tốt đối với cả con người, đồng thời thực hiện những bước cần thiết để giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa và nylon.

Lê Dũng

Tệp đính kèm