Cập nhật: 30/12/2018 13:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hôm nay 30/12, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP chính thức có hiệu lực. Trong bối cảnh năm 2018 khép lại với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới, việc CPTPP có hiệu lực được xem là một trong những điểm sáng của thương mại toàn cầu, đem lại hy vọng cho việc duy trì kết nối đầu tư và tự do thương mại hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung.

Cách đây hơn 2 năm, văn kiện "tiền thân" của CPTPP, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định giữa 12 nước trong khu vực đã hoàn tất khâu đàm phán. TPP khi ấy được chào đón như "bản lề cho một trật tự thương mại mới". Tuy nhiên, niềm hân hoan dần bị bao trùm bởi không khí lo lắng, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/1/2017 rút Mỹ khỏi TPP.

Với quyết tâm theo đuổi hiệp định tới cùng, 11 thành viên còn lại lập tức ngồi vào bàn đàm phán để cứu vãn thỏa thuận. Tháng 11/2017, 11 nước thành viên còn lại ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP. Tới tháng 3 năm nay, CPTPP được 11 nước ký kết thông qua.

Bà Michelle Bachelet – Cựu Tổng thống Chile cho biết: Hiệp định này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế rằng một thị trường mở, một nền kinh tế hội nhập và hợp tác quốc tế là những công cụ tốt nhất để tạo ra các cơ hội kinh tế và sự thịnh vượng.

Không có Mỹ, CPTPP vẫn tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, trải dài cả 3 châu lục Á, Mỹ và Đại Dương với thị trường lên tới 463 triệu dân và GDP vào khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu. Hiệp định này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. 

CPTPP cho phép xóa bỏ các hàng rào với dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ và vốn đầu tư trong khu vực, không chỉ mang lại lợi ích cho các nước thành viên, mà còn tạo động lực mới cho sự hợp tác và liên kết kinh tế-thương mại của khu vực.

Dự báo, CPTPP sẽ giúp các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030. GDP của New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia cũng sẽ tăng khoảng 1%.

Không dừng lại ở đó, việc CPTPP có hiệu lực vào trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang gây ra không ít biến động và nguy cơ với nền kinh tế toàn cầu, đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ thương mại, trở thành điểm sáng hiếm hoi của thương mại thế giới vốn đang trong tình trạng phức tạp hiện nay./.

Theo Truyền hình Thông tấn

Tệp đính kèm