Ở Việt Nam, tỷ lệ bị nhiễm virut viêm gan B khá cao (khoảng từ 10 - 15% dân số).
Cần lưu ý là khi bị nhiễm virut viêm gan B thì 90% tự khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng, biến chứng gì dù không cần điều trị bất kỳ một loại thuốc nào, nhưng có khoảng 10% người bị viêm gan B trở thành viêm gan mạn tính hoặc người lành mang virut viêm gan B. Mặc dù chỉ có 10% nhưng lại rất nguy hiểm cho bệnh nhân vì có thể để lại nhiều hậu quả xấu. Khác hẳn với trẻ em và người lớn, ở trẻ mới sinh ra (trẻ sơ sinh) mà bị nhiễm virut viêm gan B thì hầu hết số trẻ sơ sinh này sẽ trở thành viêm gan b mạn tính.
Tiêm vắc-xin viêm gan B ngay khi trẻ mới sinh ra là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Dấu hiệu nhận biết
Khi bị nhiễm virut viêm gan B cấp tính có thể có biểu hiện lâm sàng như sốt, mệt mỏi, chán ăn, da vàng, mắt vàng, gan lòng bàn tay, bàn chân cũng vàng, nước tiểu sẫm màu như nước vối, phân có thể bạc màu. Tuy vậy, đa số các trường hợp bị nhiễm virut viêm gan B hoặc viêm gan B mạn tính thì không có triệu chứng gì đặc biệt, thậm chí hoàn toàn bình thường, chỉ có một tỷ lệ thấp có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, vì vậy, rất dễ nhầm với một số bệnh thông thường khác và bị bỏ qua cho nên bệnh âm thầm tiến triển và có những diễn biến rất phức tạp.
Viêm gan B mạn tính thường có 2 loại: Viêm gan B mạn tính trường diễn và viêm gan B mạn tính hoạt động. Khi bị viêm gan B mạn tính thường được xác định HBsAg ( Hepatitis surface antigen: kháng nguyên bề mặt của virut viêm gan B) dương tính kéo dài trên 6 tháng hoặc người ta chẩn đoán bằng mô bệnh học. Khi có mặt của HBsAg trong máu (huyết thanh) là bằng chứng cho biết tình trạng đang bị nhiễm virut viêm gan B, mặc dù người bệnh có thể không có bất kỳ một biểu hiện bất thường nào. Thông thường HBsAg xuất hiện sau một tuần hoặc sau một tháng nhiễm virut viêm gan B. Song song với sự có mặt của HbsAg thì các loại men gan (SGOT, SGAP, GGT) đều tăng rất cao, ít nhất cũng cao gấp đôi chỉ số bình thường. Bên cạnh đó HbeAg cũng xuất hiện trong máu người bệnh. HBeAg là loại kháng nguyên nội sinh của virut viêm gan B. Kháng nguyên này xuất hiện sau kháng nguyên HBsAg. Khi xét nghiệm máu cho kết quả HBeAg dương tính trong máu bệnh nhân chứng tỏ virut viêm gan B đang nhân lên mạnh mẽ. Kết hợp cả 3 yếu tố (HBsAg, men gan 3 loại tăng cao và HbeAg) song song tồn tại trong máu người bệnh với một thời gian dưới 6 tháng kể từ khi bị nhiễm virut viêm gan B là chứng tỏ virut đang nhân lên và có khả năng lây lan rất lớn cho người chưa có miễn dịch chống virut viêm gan B. Và sau 6 tháng, được tính kể từ khi bị nhiễm virut viêm gan B, có khoảng 90% xét nghiệm máu cho thấy HbsAg, HbeAg âm tính và cả 3 loại men gan trở về chỉ số bình thường. Và còn 10% trong số đó vẫn tồn tại cả 3 yếu tố đó, lúc này gọi là người bị viêm gan B mạn tính.
Nếu có điều kiện thì sinh thiết tế bào gan để làm xét nghiệm HBcAg (kháng nguyên lõi của virut viêm gan B), HBcAg chỉ tìm thấy trong nhân của tế bào gan khi sinh thiết, không bao giờ có trong máu (huyết thanh), vì vậy, nếu xét nghiệm máu sẽ không tìm thấy kháng nguyên này. Khi HBcAg xuất hiện trong nhân tế bào gan chứng tỏ virut viêm gan B đang nhân lên mạnh mẽ. Những phòng thí nghiệm, nếu có điều kiện có thể tiến hành đếm chỉ số acid nucleic của virut viêm gan B (HBV - DNA: virut viêm gan B hoàn chỉnh). Đây là một trong các xét nghiệm đáng cậy để đánh giá có phải người lành mang virut viêm gan B (người mang virut viêm gan B không triệu chứng) hay bị viêm gan B mạn tính. Nếu chỉ số này dưới 100.000cps/ml là người lành mang virut viêm gan B, nếu lớn hơn chỉ số này là bị viêm gan B mạn tính.
Bệnh có nguy hiểm?
Sau khi bị nhiễm virut viêm gan B, diễn tiến trở thành viêm gan B mạn tính phụ thuộc khá rõ về lứa tuổi bị nhiễm virut viêm gan B, có trên 90% trẻ bị nhiễm vi rút viêm gan B dưới 1 tuổi trở thành viêm gan B mạn tính và trong khi đó đối với người lớn bị nhiễm virut viêm gan B trở thành người viêm gan B mạn tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng từ 6 - 10%. Thống kê cũng cho thấy, nếu bị nhiễm virut viêm gan B từ lúc còn nhỏ thì về sau, nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với người lớn bị nhiễm virut viêm gan B.
Có phòng tránh được không?
Viêm gan B lây truyền theo 3 đường chủ yếu: đường máu, đường tình dục và mẹ lây truyền cho con. Vì vậy, để ngăn ngừa viêm gan B thì không dùng chung các loại bơm kim tiêm, dao cạo râu, tránh tiếp xúc với máu của người khác khi chưa có biện pháp bảo hộ (ví dụ chưa có găng tay vô khuẩn), không dùng chung kim châm trong Đông y. Không quan hệ tình dục bừa bãi. Khi quan hệ tình dục cần dùng bao cao su đảm bảo chất lượng, đặc biệt khi một trong 2 người (chồng hoặc vợ, người tình) có kết quả dương tính với HBsAg. Đối với bất kỳ dụng cụ y tế nào khi dùng cho người bệnh hoặc người lành (kim tiêm, dụng cụ phẫu thuật,…) phải tuyệt đối vô khuẩn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Phòng bệnh bằng tiêm vắc-xin viêm gan B là biện pháp hữu hiệu nhất. Mọi người khi xét nghiệm HBsAg âm tính thì nên tiêm phòng vắc-xin viêm gan B. Đối với trẻ em thì ngay sau khi sinh ra từ trong vòng 24 giờ đã cần phải tiêm vắc-xin phòng viêm gan B, đặc biệt quan tâm với trẻ có mẹ dương tính với HbsAg, bởi vì, đối tượng này có nguy cơ rất cao lây nhiễm virut viêm gan B từ mẹ. Đối với người có HBsAg dương tính cần theo dõi bằng kết quả xét nghiệm, tốt nhất là vài tháng một lần cho đến sau 6 tháng. Khi đã bị viêm gan B mạn tính thì tuyệt đối không uống rượu, bia, các loại nước giải khát có cồn. Bệnh viêm gan B (cấp và mạn tính) cho đến nay trên thế giới cũng như ở nước ta chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, khi dùng thuốc mà không biết rõ nguồn gốc hoặc không biết tác dụng phụ của nó thì không nên dùng.
BS. Nguyễn Hương
Theo suckhoedoisong.vn