Đại diện một số ngân hàng cho biết, cuối năm, khi các doanh nghiệp chi trả lương, thưởng Tết cũng là “mùa” mà tội phạm thẻ hoạt động mạnh nhất. Do đó, không chỉ các ngân hàng phải tìm biện pháp đối phó, bản thân các chủ tài khoản hay chủ thẻ cũng phải đề cao cảnh giác.
Gần đây, có hiện tượng các đối tượng xấu giả danh là nhân viên của cơ quan điều tra liên hệ với người dân bằng số cố định, khai thác thông tin. Các chiêu trò phổ biến là hù dọa rồi đề nghị mở tài khoản và đăng ký tài khoản ngân hàng điện tử để kiểm tra nguồn tiền; hoặc thông báo đang ghi nhận bưu phẩm liên quan dư nợ thẻ tín dụng sau đó yêu cầu nạn nhân truy cập đường dẫn để chuyển tiền ngay, nếu không đồng ý sẽ chịu truy tố trước pháp luật... Các nạn nhân khi thực hiện theo yêu cầu của đối tượng giả danh sẽ bị thiệt hại tài chính.
Trong thông tin cảnh báo khách hàng mới đây, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) khuyến nghị khách hàng không cung cấp các thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP (mật khẩu một lần)... cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào. Đặc biệt không cung cấp mã OTP vì thông tin này chỉ được xác thực trong các trường hợp khách hàng là người trực tiếp và chủ động thực hiện chuyển khoản, thanh toán trực tuyến, thay đổi thông tin. Ngoài ra, khách hàng không chụp hình thẻ hoặc các thông tin như (số thẻ đầy đủ, ngày hết hạn, mã số bảo mật CVV/CVC mặt sau thẻ) gửi qua email, đưa lên các trang mạng xã hội. Song song đó, khách không nên truy cập các trang web không đáng tin cậy, hoặc nhấp vào bất kỳ đường dẫn nào yêu cầu cung cấp/cập nhật thông tin cá nhân và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử.
Tương tự, Vietcombank cũng vừa gửi một loạt email cảnh báo khách hàng về các biện pháp phòng tránh rủi ro, lừa đảo khi giao dịch trực tuyến. Theo đó, đối với khách hàng là chủ đơn vị bán hàng trực tuyến, đối tượng sẽ giả mạo đang ở nước ngoài cần mua hàng hóa trực tuyến cho người thân. Sau đó, yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền (MoneyGram, Western Union), rồi gửi người bán tin nhắn có link truy cập vào webiste giả mạo. Khi chủ cửa hàng truy cập vào, đối tượng sẽ lợi dụng rồi thực hiện giao dịch gian lận.
Với khách hàng đang sử dụng ví điện tử như Zalo, MoMo, Payoo... đăng tải câu hỏi lên website, fanpage của nhà cung cấp, đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ. Sau đó, đối tượng lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là một bước yêu cầu để khắc phục lỗi rồi lợi dụng để thực hiện giao dịch gian lận.
Một thủ đoạn lừa đảo khác là với khách hàng có nhu cầu vay tín dụng trực tuyến, đối tượng giả mạo là người cho vay trực tuyến, yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử rồi lợi dụng các thông tin này để thực hiện lừa đảo.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, hiện cơ quan này đã yêu cầu các ngân hàng rà soát quy trình nội bộ, đồng thời phát đi cảnh báo để khách hàng lưu ý và đề nghị cơ quan công an vào cuộc. Tuy nhiên, bên cạnh việc ngân hàng phải gia tăng bảo mật thì phía khách hàng cũng phải nhận thức rõ hơn các khả năng bị lừa đảo để tránh bị lợi dụng.
Theo HỒNG NGUYỄN/nhandan.com.vn