Cập nhật: 18/01/2019 08:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhằm tổ chức lại sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập cho người nông dân, qua đó thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Thời gian qua tỉnh đặc biệt chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngày 22-12-2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết 201/2015/NQ-HĐND, về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 – 2020. Với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp dựa trên đổi mới tổ chức sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ; chuyên môn hóa và tạo việc làm ổn định cho nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng Nông thôn mới…

Để phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt 06 quy hoạch, điển hình là: Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn đến năm 2020 trên diện tích 3.127ha; Quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm của 7/9 huyện, thành phố, bao gồm 34 xã chăn nuôi lợn, 38 xã chăn nuôi gia cầm, 21 xã chăn nuôi bò thịt và 22 xã chăn nuôi bò sữa…

Bước đột phá đầu tiên của tỉnh trong việc thực hiện đề án là triển khai thí điểm về dồn thửa, đổi ruộng tại 02 xã Ngũ Kiên và Cao Đại của huyện Vĩnh Tường. Diện tích đất dồn thửa đổi ruộng của 02 xã là gần 387 ha, đạt 100% kế hoạch đề ra, với tổng số 4.141 thửa, giảm 11.893 thửa so với trước khi dồn thửa đổi ruộng, giảm 74% tổng số thửa. Đây được xem là bước đột phá rất lớn nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư tích tụ đất đai. Thông qua thực hiện dồn thửa đổi ruộng, các tiến bộ khoa học và cơ giới hóa được áp dụng thuận lợi vào sản xuất góp phần giảm sức lao động và nâng cao năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.

Thông qua thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt đã tác động tích cực đến năng suất, chất lượng của các cây trồng chủ lực, do đó giá trị sản xuất trồng trọt ngày càng tăng lên, năm 2016 tăng 6,88% so với năm 2015, năm 2017 tăng 6,71% so với năm 2016.

Trong trong 02 năm đã mở rộng trên 11 nghìn ha giống ngô biến đổi gen; sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo hướng VietGAP với tổng diện tích trên 2.223 ha gồm: Bí đỏ, dưa chuột, cà chua, ớt, khoai tây và cây rau ăn lá. Trong sản xuất đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội của tỉnh, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Dần dần đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Lúa chất lượng, rau, hoa, cây cảnh và ngô biến đổi gen được mở rộng diện tích. Một số sản phẩm đặc trưng đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm như: Rau an toàn Vân Hội Xanh, su su Tam Đảo, Thanh Long ruột đỏ Lập Thạch...

Với phương châm chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thành công đề án. Năm 2016-2017, tỉnh đã phát triển mở rộng trên 27 nghìn ha giống lúa chất lượng với các giống như: Thiên ưu 8, HT1, BC15, RVT, TBR225… Nhờ vậy năng suất lúa không ngừng tăng và hiện đạt từ 63-67 tạ/ha/vụ.

Trong những năm gần đây chăn nuôi tiếp tục được phát triển, vai trò giống trong chăn nuôi ngày càng được khẳng định, Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những tỉnh có bước tiến nổi bật trong chăn nuôi. Để đáp ứng về số lượng, chất lượng và các điều kiện về môi trường, Vĩnh Phúc đã ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư để đưa chăn nuôi thành ngành chủ lực, mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó đặc biệt chú trọng tới công tác nâng cao phẩm chất giống, xử lý chất thải chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm sau luôn cao hơn năm trước. Chăn nuôi tiếp tục khẳng định là ngành chính trong sản xuất nông nghiệp. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi, nhiều giống gia súc, gia cầm có chất lượng tốt được đưa vào sản xuất. Qua đây góp phần giúp người nông dân thay đổi từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp.

Trong 2 năm  2016 – 2017 tỉnh đã áp dụng và chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho 33 cơ sở chăn nuôi lợn, 03 cơ sở chăn nuôi bò sữa, 09 cơ sở nuôi trồng thủy sản và 04 cơ sở sản xuất, sơ chế rau, củ. Năm 2018, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ 40 cơ sở sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng được mở rộng, sản xuất nông nghiệp sạch và hiện đại đã có sự đồng hành của các DN và nông dân để từng bước xây dựng nền nông nghiệp Vĩnh Phúc xanh, sạch.

Thông qua thực hiện sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn đã từng bước thay đổi tư duy và phương thức sản xuất của người nông dân từ sản xuất những gì mình có sang sản xuất những gì thị trường cần. Đồng thời chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng được hình thành góp phần giúp những cơ sở sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Vietgap của tỉnh ngày càng phát triển bền vững:

Trong giai đoạn 2018 – 2020 ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc phấn đấu: Tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,5% - 4%/năm; tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống còn 30%; tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 đạt 25%; hết năm 2019 có 100% số xã đạt chuẩn, hết năm 2020 có 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…

Có thể khẳng định, trong 2 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến cơ bản; các sản phẩm chủ lực, thế mạnh được lựa chọn tập trung phát triển; khoa học công nghệ được áp dụng vào sản xuất. Qua đây góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người nông dân và phát triển toàn diện kinh tế xã hội khu vực nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Có thể khẳng định những kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ là tiền đề để nông nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục có những bước đột phá góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội bền vững của địa phương.

Đức Thiện

Tệp đính kèm