Quan hệ giữa Trung Quốc và Canada trở nên căng thẳng sau khi Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu cuối năm 2018.
Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với phóng viên Canada ngày 17/1, Đại sứ Trung Quốc tại Canada Lô Sa Dã (Lu Shaye) tố Ottawa “đâm sau lưng” Bắc Kinh trong vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Ông cũng nói rằng, Canada không nên lôi kéo sự ủng hộ của các nước trong bất đồng hiện nay với Trung Quốc.
Bà Mạnh Vãn Chu tại tòa án ở Canada. Nguồn: Reuters
Đại sứ Lô nhấn mạnh, sẽ là ý tưởng tồi tệ nếu Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland lợi dụng Diễn đàn kinh tế thế giới sắp tới tại Davos để tranh thủ sự ủng hộ.
“Davos là nơi để thảo luận về các vấn đề kinh tế và chúng tôi hy vọng các vấn đề ngoài kinh tế sẽ không được mang ra bàn luận ở diễn đàn này. Nếu chân thành muốn giải quyết các vấn đề, Canada sẽ không làm những điều như vậy. Chúng tôi hy vọng Canada cân nhắc kỹ trước khi hành động”, ông Lu nói.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Canada xấu đi đáng kể từ tháng 12/2018 sau khi Canada bắt giữ Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu theo đề nghị của giới chức Mỹ. Sau vụ việc này, Trung Quốc đã bắt giữ 2 công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig.
Liên quan đến các vụ bắt giữ, ông Lô Sa Dã nói rằng vụ bắt giữ 2 người này là hợp pháp trong khi vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là hoàn toàn ngược lại. “Vụ bắt giữ bà Mạnh là vô căn cứ vì bà không vi phạm luật pháp Canada. Mặt khác, vụ bắt giữ 2 công dân Canada là do nghi ngờ họ có liên quan đến các hoạt động gây tổn hại an ninh quốc gia của Trung Quốc”, ông nói.
Đại sứ Lô Sa Dã nói rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Canada có thể được cải thiện và những bế tắc hiện nay có thể được giải quyết thông qua đàm phán. Tuy nhiên, bất cứ giải pháp nào cũng sẽ bị đe dọa, nếu Canada cấm cửa Huawei tham gia vào mạng lưới 5G mới ở Canada vì các lý do an ninh
Canada kiên quyết lôi kéo đồng minh
Phát biểu ở Sherbrooke, Quebec, Ngoại trưởng Canada Freeland bác bỏ cảnh báo của Trung Quốc về việc không nên lôi kéo sự ủng hộ của đồng minh quốc tế. Bà khẳng định chính phủ Canada sẽ tiếp tục bảo vệ các công dân của mình.
“Canada từ đầu đã rất rõ ràng trong vụ việc của Kovrig và Spavor. Còn về Robert Schellenberg [bị tòa án Trung Quốc kết án tử hình mới đây-ND], quan điểm lâu nay của chính phủ Canada là phản đối sử dụng án tử hình. Chúng tôi đặc biệt phản đối điều đó khi nó được sử dụng nhằm vào một công dân Canada. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc về 3 trường hợp này”. Bà Freeland cũng tuyên bố vụ bắt giữ 2 công dân Kovrig và Spavor là sai lầm và những người này cần phải được thả ngay lập tức.
Canada cũng đã bắt đầu chiến dịch vận động các đồng minh, gây sức ép buộc Trung Quốc phải trả tự do cho công dân Kovrig và Spavor. Bà Freeland cũng khẳng định đây sẽ là một trong những nội dung quan trọng khi bà tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ trong tuần tới.
Liên quan đến vấn đề 5G, bà Freeland cho hay, quyết định liên quan sẽ được các quan chức an ninh và chính phủ nghiên cứu cẩn trọng.
Hiện Canada đang nghiên cứu các phương án bảo mật cho mạng 5G, nhưng chưa tuyên bố cấm thiết bị của Huawei như một số nước đồng minh. Huawei chỉ có khoảng 1.000 nhân viên Canada. Tuy nhiên, đầu năm nay, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã trở thành nhà tài trợ nghiên cứu và phát triển lớn thứ 25 tại Canada nhờ việc hợp tác với các trường đại học địa phương.
Trong khi đó, ngày 16/1, một nhóm các nghị sỹ lưỡng đảng Mỹ đã trình dự luật có thể cấm bán chip và một số linh kiện khác của Mỹ cho Huawei, ZTE và các công ty khác của Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ hay luật kiểm soát xuất khẩu. Dự luật đặc biệt nhấn mạnh đến nghi ngờ các thiết bị của ZTE cad Huawei có thể được sử dụng để do thám ở Mỹ.
“Nếu chính phủ Canada cấm Huawei tham gia mạng 5G, tôi tin rằng sẽ có những hậu quả, dù tôi không chắc điều đó là gì”, Đại sứ Lô Sa Dã cảnh báo, đồng thời kêu gọi Ottawa đưa ra quyết định sáng suốt về vấn đề này.
Trung Quốc sẽ “tung chiêu” gì?
Canada nói rằng, tính đến đầu tháng 1/2019, đã có 13 công dân nước này bị bắt ở Trung Quốc kể từ sau khi Giám đốc tài chính Huawei bị bắt ở Canada, nhưng “ít nhất” 8 người trong số người này đã được thả.
Mới đây, ngày 14/1, tòa án Trung Quốc đã kết án tử hình đối với công dân Canada Robert Schellenberg vì tội buôn lậu 222kg ma túy đá (methamphetamine).
Chính quyền Thủ tướng Trudeau cáo buộc Trung Quốc tùy tiện sử dụng án tử hình, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ quan điểm của mình. Đại sứ Canada tại Trung Quốc John McCallum, nói rằng “Những gì Bắc Kinh đang làm không hề tốt cho hình ảnh của họ trên thế giới”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ trích bản án tử hình là “có động cơ chính trị”. Phó phát ngôn viên Robert Palladino ngày 16/1 nói rằng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Canada ngày 15/1 đã thảo luận và “bày tỏ quan ngại về việc tùy tiện bắt giữ cũng như động cơ chính trị trong việc kết án các công dân Canada”.
Các nhà quan sát cho rằng, những hành động gần đây của Trung Quốc đối với các công dân Canada cũng tương tự như cách đáp trả đối với những nước từng “làm mất mặt” Bắc Kinh.
Trung Quốc đã dừng thỏa thuận thương mại song phương với Na Uy và hạn chế nhập khẩu cá hồi Na Uy khi giải Nobel Hòa bình được trao cho tù nhân chính trị Lưu Hiểu Ba năm 2010. Anh và một số nước khác cũng bị đáp trả vì các cuộc gặp với Dalai Lama – người đòi tách Tây Tạng khỏi Trung Quốc. Năm 2014, một cặp đôi Canada bị bắt giữ ở Đông Bắc Trung Quốc với cáo buộc gián điệp sau khi Canada bắt giữ một người đàn ông bị cáo buộc là ăn cắp bí mật hàng không của Mỹ cho Trung Quốc.
Trong vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, Trung Quốc được cho là chỉ đáp trả Canada dù Mỹ mới là nước đưa ra yêu cầu bắt giữ và dẫn độ. Các nhà phân tích cho rằng, đây là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi đáp trả nhằm vào Canada được cho là ảnh hưởng vừa phải đối với trật tự toàn cầu, cũng gây ít thiệt hại cho Trung Quốc hơn là đối đầu với Mỹ./.
Theo Thùy Linh/VOV.VN