Cập nhật: 23/01/2019 10:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày này trở thành ngày đại tang đối với người dân xã Kim Lương, huyện Kim Thành (Hải Dương). Cùng lúc, tám nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra chiều 21-1, khiến cả xã ngập tràn nước mắt. Chỉ trong vòng 20 ngày, những vụ TNGT thảm khốc liên tiếp xảy ra khiến toàn xã hội bàng hoàng, đau xót.

Ảnh minh họa.

Cả hai lái xe gây ra hai vụ TNGT nghiêm trọng ở Hải Dương và Long An, đều dương tính với ma túy. Ngay trong tối 21-1, lực lượng chức năng Bộ Công an ra quân kiểm tra lái xe ô-tô tải, công-ten-nơ và xe khách đường dài tại Hà Nội, cũng phát hiện nhiều lái xe dương tính với ma túy. Hiện tượng này một lần nữa cảnh tỉnh ý thức, trách nhiệm của người cầm lái, hiệu lực thực thi pháp luật của các nhà quản lý, trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh vận tải,…

Theo thống kê, TNGT tuy giảm theo từng năm ở cả ba tiêu chí, song những vụ tai nạn thảm khốc, liên hoàn lại đang có xu hướng tăng cao. Tại cuộc tổng kết ngành giao thông mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng nhận định, nỗ lực kéo giảm TNGT thời gian qua chưa đạt được mục tiêu, cần phải có biện pháp khắc phục hiệu quả. Mỗi năm có 8.000 người chết, 15 nghìn người bị thương, tương đương với dân số của một huyện miền núi. Người dân đang sống trong cảnh bất an khi ra đường, không thể biết khi nào những thảm cảnh chết chóc do tai nạn sẽ rơi xuống đầu mình. Tại sao các cơ quan quản lý đã ban hành đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, với chế tài xử lý khá nghiêm ngặt, mà các vụ tai nạn thảm khốc vẫn tăng cao? Những câu hỏi đau đáu của người dân dành cho cơ quan quản lý dường như đang bị bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời thỏa đáng. Phải chăng những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra là do các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát một thời gian dài.

Gây ra tai nạn, lỗi của lái xe là đương nhiên, nhưng trách nhiệm của chủ xe hầu như chưa được xem xét đúng mức. Lâu nay, có tình trạng chủ xe khoán trắng cho lái xe, ép chạy kịp thời gian giao hàng, nhất là dịp cuối năm, nên không ít người đã tìm đến ma túy, chất kích thích để có đủ sự tỉnh táo cầm vô-lăng liên tục. Thậm chí, một số chủ xe biết rõ lái xe bị nghiện nhưng vẫn giao xe cho họ chạy. Vì thế, cơ quan quản lý cần có biện pháp ngay để xử lý mạnh tay các chủ xe, doanh nghiệp vận tải thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý, giám sát lái xe. Có thể xem xét phạt tiền nặng, rút giấy phép kinh doanh đủ sức răn đe chủ xe, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngày ngày, trên cung đường thiên lý hàng nghìn ki-lô-mét từ bắc vào nam, nhiều chiếc xe công-ten-nơ chỉ có một người lái vẫn chạy thâu đêm suốt sáng, dễ dàng "lọt" qua các chốt cảnh sát giao thông bằng "làm luật". Theo các quy định hiện hành, khi lái xe gây tai nạn, ngoài phạt tiền, khởi tố, mức phạt bổ sung cao nhất chỉ là rút giấy phép lái xe tối đa hai năm. Vì thế, một số ý kiến đã đề xuất cơ quan chức năng thu hồi vĩnh viễn bằng lái đối với lái xe gây tai nạn, thậm chí nghiên cứu xử lý hình sự đối với lái xe sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện, kể cả chưa gây tai nạn. Nhiều quốc gia đã ban hành quy định rất chặt về vấn đề này, thậm chí quy định chặt thời gian lái xe được tham gia lưu thông, thời gian nghỉ bắt buộc trong khi ở nước ta, chế tài xử lý còn quá dễ dãi. Người dân cũng bức xúc với hiện tượng "mất bò mới lo làm chuồng" của các cơ quan quản lý, thiếu giải pháp ngăn chặn từ xa cho nên không giải quyết được tận gốc vấn đề. Khi đã xác định rõ lỗi gây tai nạn, có thể có biện pháp liên đới, xử lý các cơ quan liên quan trực tiếp như: đăng kiểm; cơ sở đào tạo, cấp bằng lái xe...

Việc kiểm tra nồng độ cồn, xét nghiệm ma túy với lái xe phải làm thường xuyên, trở thành quy định bắt buộc làm cơ sở để loại ra khỏi đội ngũ lái xe những người vô trách nhiệm với tính mạng con người; với an nguy của cộng đồng. Cần làm nghiêm, quyết liệt không để tình trạng "phạt cho tồn tại" vẫn tiếp tục diễn ra trong các cơ quan chức năng dẫn đến sự coi thường pháp luật ngày càng trầm trọng, tai nạn ngày càng đau lòng khủng khiếp như những vụ việc gần đây.

Vì thế, "phương thuốc" hữu hiệu nhất để ngăn ngừa TNGT nghiêm trọng không thể chỉ nhằm vào một đối tượng cụ thể nào, mà phải xây dựng được hệ thống giải pháp tổng thể và bền vững; trong đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mang tính chất then chốt, quyết định. Ðó là tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe; tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật; nâng cấp hạ tầng, xóa bỏ "điểm đen" tai nạn; kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm chế độ lao động đối với lái xe,... Giải quyết vấn đề TNGT đòi hỏi một quá trình căn cơ, lâu dài, theo từng bước và phù hợp mức độ phát triển của xã hội cũng như ý thức người dân.

 

Theo XÍCH TÙNG / nhandan.com.vn

Tệp đính kèm