Cập nhật: 26/01/2019 09:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tết Nguyên đán đã rất gần. Dự báo nhu cầu đi lại của hành khách sẽ tăng cao đột biến, hiện tượng "chặt chém", nhồi nhét khách,… là nỗi lo thường trực, nhất là ở những tuyến trọng điểm. Các cơ quan quản lý cần có biện pháp huy động phương tiện, giám sát chặt chẽ để không xảy ra tình trạng thiếu phương tiện, "xe dù, bến cóc", bảo đảm an toàn cho người dân về quê đón Tết.

Hiện tượng quá tải, "chặt chém", nhồi nhét hành khách thường xảy ra tại các bến xe trong dịp Tết.

Huy động đủ phương tiện

Theo tính toán, đợt cao điểm vận tải trước Tết sẽ diễn ra trong khoảng ngày 26, 27-1 và từ ngày 2-2, dự kiến lượng khách qua lại các bến tăng khoảng 40 đến 50% so ngày thường. Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội, lượng xe cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu. Một số tuyến trọng điểm có thể xảy ra thiếu xe cục bộ, các đơn vị đã bố trí phương tiện dự phòng, đủ khả năng vận chuyển hết khách trong ngày. Theo đại diện lãnh đạo Bến xe Mỹ Ðình, trong trường hợp khách tăng đột biến, ngoài xe dự phòng, bến sẽ họp với các doanh nghiệp (DN) vận tải để tăng cường thêm xe cho các tuyến trọng điểm như Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Lào Cai,… Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, để phục vụ tốt đợt vận tải Tết, bến sẽ bố trí, huy động toàn bộ quân số lao động, phối hợp các đơn vị vận tải, lên kế hoạch tăng cường thêm xe, không để quá tải khách. Hiện nay, lượng khách vào bến xe có xu hướng giảm do sự cạnh tranh của hình thức xe hợp đồng limousine, lượng khách đến các bến trong dịp Tết có khả năng sẽ không "nóng" như những năm trước. Trên địa bàn Hà Nội, có nhiều DN vận tải với hơn 10 nghìn xe limousine hoạt động, tuy giá cao hơn nhưng bù lại, dịch vụ thuận tiện nên được nhiều người dân ưa thích.

Tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Bến xe Miền Ðông cho hay, giá vé xe Tết Nguyên đán sẽ tăng không quá 60%. Các tuyến từ Phú Yên ra các tỉnh phía bắc và các tuyến đi Tây Nguyên,… áp dụng mức phụ thu từ 20 đến 60% tùy thời điểm. Các tuyến đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai và các tỉnh miền Tây, mức phụ thu không quá 40% so ngày thường. Dự kiến trong dịp Tết, lượng hành khách qua bến xe tăng khoảng 5% so với Tết năm 2018. Ðể động viên phương tiện xuất bến trong đêm giao thừa, bến sẽ xét thưởng miễn toàn bộ chi phí dịch vụ ra vào bến, hoa hồng bán vé và tặng quà cho hành khách đi trên hai chuyến xe trên. Tương tự, bến xe Miền Tây sẽ mở đợt cao điểm 20 ngày phục vụ người dân đi lại dịp Tết. Xe từ bến này chủ yếu chạy tuyến ngắn, hành khách thường tập trung trong vài ngày cuối năm, từ ngày 27 Tết. Mức giá vé dịp này tăng khoảng 40% so ngày thường, các tuyến có cự ly hơn 400 km sẽ tăng 60%.

Theo Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR), lịch chạy tàu Tết Nguyên đán được tính từ ngày 23-1 đến ngày 22-2-2019. Trên tuyến bắc - nam, ngoài năm đôi tàu Thống Nhất và năm đôi tàu khu đoạn, VNR sẽ chạy thêm bảy đôi tàu Thống Nhất và tám đôi tàu khu đoạn. Những ngày cao điểm nhất, sẽ chạy 25 đôi tàu trên tuyến bắc - nam (khoảng 14 nghìn chỗ/ngày). Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội Phùng Thị Lý Hà cho biết, tàu Thống Nhất chạy 15,5 đôi/ngày, cả giai đoạn Tết tổng cộng 787 chuyến (hơn 345 nghìn chỗ); tàu khu đoạn chạy 12 đôi/ngày, cả giai đoạn chạy 727 chuyến (hơn 218 nghìn chỗ). Ðến ngày 21-1, vé tàu Thống Nhất đã bán hơn 302 nghìn vé (322 tỷ đồng); tàu Thống Nhất chiều Sài Gòn - Hà Nội trước Tết còn khoảng 2.300 vé; tàu Thống Nhất chiều Hà Nội - Sài Gòn sau Tết còn 40.700 vé. Các tàu khu đoạn đã bán hơn 83.800 vé, còn lại 134.265 vé. Nhằm hạn chế các đối tượng xấu, buôn bán hàng rong lên tàu, bảo đảm an ninh trật tự, ngành đường sắt tổ chức đón và kiểm soát thẻ lên tàu của hành khách tại cửa soát vé trước khi vào ga và tại cửa toa; bố trí nhân viên hỗ trợ khách có trẻ nhỏ đi cùng, người cao tuổi, phụ nữ mang thai,... Ngày 19-1 vừa qua, Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An đã bàn giao 11 toa xe mới cho Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng Giám đốc Công ty Ðào Anh Tuấn hy vọng, hành khách sẽ có những trải nghiệm thoải mái và hài lòng với chất lượng toa xe. Nhiều hành khách đánh giá vài năm gần đây, ngành đường sắt đã có nhiều cải tiến trong phương thức bán vé, việc giao dịch mua vé khá dễ dàng, chất lượng dịch vụ được nâng lên.

Hàng không tăng chuyến

Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), trong dịp Tết, các hãng hàng không tuân thủ nghiêm ngặt quy định về quản lý giá cước vận tải hàng không nội địa, không có hãng nào bán vé vượt quá giá trần. Phó Cục trưởng HKVN Võ Huy Cường cho biết, dự kiến lượng hành khách đi lại dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng 14% so cùng kỳ, các hãng hàng không đều xây dựng kế hoạch tăng chuyến. Trong dịp này, các hãng sẽ tăng cường khoảng 5.800 chuyến bay, tương đương 1,2 triệu ghế. Trong đó, hãng Vietnam Airlines tăng hơn 2.000 chuyến so cùng kỳ, chủ yếu ở nội địa, Jetstar Pacific thực hiện gần 4.000 chuyến bay, tương ứng hơn 700 nghìn ghế, tăng khoảng 10% so Tết năm trước. Ðại diện hãng Vietjet cho biết, trong dịp Tết, hãng tăng hơn 2.500 chuyến bay, cung ứng hơn 500 nghìn vé. Hãng đã cùng Cục HKVN kết thúc đợt giám sát, củng cố hoạt động khai thác, bảo đảm mang đến những chuyến bay an toàn tuyệt đối cho hành khách. Theo kế hoạch, từ ngày 20-1 đến 19-2, hãng dự kiến khai thác tổng cộng hơn 12.500 chuyến, trong đó có hơn 4.000 chuyến bay quốc tế, tăng hơn 20% so cùng kỳ.

Qua khảo sát trên các trang trực tuyến bán vé máy bay, chặng Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, những ngày sát Tết tuy vé vẫn còn nhưng không nhiều và đã hết vé rẻ, khuyến mại. Ngày đầu kỳ nghỉ (2-2), hành khách có thể mua vé của Vietnam Airlines giá từ 1,7 triệu đồng (hạng phổ thông) và từ 5,1 triệu đồng (thương gia). Chiều ngược lại, hầu hết các chuyến ban ngày đã hết vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia với mức giá hơn 6,4 triệu đồng,... Ðối với hãng Vietjet, nếu bay tối ngày 2-2, mức giá rẻ nhất chiều Hà Nội - TP Hồ Chí Minh từ 599 nghìn đồng (chưa thuế, phí) nhưng chiều ngược lại đã hết vé. Còn hãng Jetstar, mức giá rẻ nhất là 430 nghìn đồng, chiều ngược lại lên tới ba triệu đồng và số ghế còn rất ít. Trong dịp cao điểm Tết, hãng triển khai quầy thủ tục ưu tiên đối với hành khách là gia đình đi cùng trẻ em và người già (hơn 60 tuổi) chung với quầy VIP và người có công. Các hãng cũng lưu ý hành khách chuẩn bị kỹ giấy tờ tùy thân, kiểm tra điều kiện vé và quy định hành lý xách tay, ký gửi để hạn chế phát sinh không đáng có, bảo đảm an toàn trong quá trình đi lại.

Giám đốc Cảng hàng không Nội Bài Nguyễn Ðức Hùng cho biết, từ ngày 15-1 đến 25-1, Cảng áp dụng thử nghiệm phương án điều chỉnh luồng tuyến phục vụ hành khách, ứng phó tình trạng quá tải đột biến trong các khung giờ cao điểm tại Nhà ga T2. Trong các khung giờ cao điểm, nhà ga T2 có lượng khách rất đông, số lượng người nhà đưa tiễn rất lớn, gây ùn tắc cục bộ, khiến hành khách khó tiếp cận khu vực làm thủ tục lên máy bay, tăng nguy cơ làm chậm chuyến bay, ảnh hưởng trực tiếp đến hành khách và hạn chế năng lực khai thác của Cảng. Vì thế, Cảng bố trí lực lượng an ninh kiểm soát, phân tách hành khách và người đưa tiễn tại hai cửa D1 và D2, hạn chế người nhà đi tiễn, chỉ có hành khách, nhân viên nội bộ và các đối tượng được phép mới được vào khu vực làm thủ tục. Sau thời gian thử nghiệm, căn cứ tình hình thực tế, Cảng sẽ linh hoạt triển khai trong các ngày, khung giờ cao điểm Tết Nguyên đán, áp dụng đến hết ngày 28-2.

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết

Ngày 22-1, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã có công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban ATGT các địa phương, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo số 25/TB-VPCP ngày 19-1. Theo đó, triển khai các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT, trước hết là những nhiệm vụ cấp bách bảo đảm ATGT trong dịp Tết Nguyên đán; ngăn chặn hiệu quả các vụ tai nạn liên quan xe ô-tô chở khách, xe tải nặng và xe công-ten-nơ; tổng hợp kết quả thực hiện gửi về Ủy ban ATGT quốc gia trước ngày 8-2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bài và ảnh: TRANG LY

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm