Là một trong những khâu quan trọng trước khi đưa thực phẩm tươi sống đến với người tiêu dùng, tuy nhiên, hiện nay việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) tại nhiều nơi ở thành phố Hà nội vẫn còn bất cập. Thực trạng này không chỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn là nỗi lo thường trực của người tiêu dùng thủ đô, nhất là trong dịp Tết.
Một cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tại chợ Vĩnh Hồ (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: KHÁNH HUY
Hà Nội là thành phố có số lượng GSGC lớn, với đàn trâu bò 170 nghìn con, đàn lợn 1,7 triệu con, đàn gia cầm 31,5 triệu con. Tuy nhiên, với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao (hơn 60%) cho nên kéo theo đó là tình trạng xuất hiện nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác tại các khu dân cư và chợ dân sinh. Do thiếu sự kiểm tra, kiểm soát của các cấp chính quyền, ngành chức năng, tình trạng giết mổ GSGC không bảo đảm an toàn thực phẩm diễn ra phổ biến.
Có mặt tại chợ dân sinh Văn Chương, quận Đống Đa, chúng tôi ghi nhận có đến bốn hộ kinh doanh gia cầm tiến hành giết mổ ngay trên nền đất. Trong quá trình giết mổ, phần thịt, nội tạng, phân, lông gà vịt, nước thải... lẫn với nhau, bên cạnh là nồi nước sôi nhúng gà, vịt cáu bẩn được đun từ sáng tới chiều. Chị Nguyễn Thị Hạnh, một tiểu thương bán kiêm giết mổ gà tại chợ cho biết: “Hiện nay phần lớn khách mua gà, vịt đều yêu cầu làm thịt ngay, cho nên tôi thường làm ngay tại chợ”. Dạo qua các chợ tại quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng những hình ảnh tương tự diễn ra phổ biến.
Lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội cho rằng, công tác quản lý cơ sở giết mổ GSGC hiện nay còn nhiều bất cập. Năm 2018, địa bàn thành phố có 988 cơ sở giết mổ GSGC. Trong đó, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công 937 cơ sở; giết mổ GSGC bán công nghiệp 44 cơ sở, giết mổ công nghiệp bảy cơ cở. Nhưng thực tế chỉ có 126 cơ sở các cơ sở giết mổ GSGC được kiểm soát. Lượng thịt GSGC tiêu thụ trên địa bàn thành phố được kiểm soát khoảng 515 tấn/ngày, đáp ứng 59% nhu cầu tiêu thụ. Phần còn lại được cung cấp bởi các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ chủ yếu nằm trong khu dân cư và nhập từ các tỉnh, thành phố khác về.
Một số cơ sở giết mổ GSGC lớn hiện được kiểm soát tốt, hoạt động có hiệu quả như cơ sở giết mổ gia cầm của Công ty CP Việt Nam tại Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, giết mổ bình quân hơn 35.000 con/ngày, đạt khoảng 50% công suất. Cơ sở giết mổ gia cầm Lan Vinh (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) giết mổ hơn 4.000 con/ngày đạt 80% công suất. Cơ sở giết mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) giết mổ 2.000 con/ngày, những ngày giáp Tết Nguyên đán lên tới gần 3.000 con/ngày. Cơ sở giết mổ lợn Minh Hiền (huyện Thanh Oai) bình quân giết mổ 700 con/ngày. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công tập trung hiện có trên địa bàn thành phố hoạt động còn hạn chế, thậm chí có cơ sở đã ngừng hoạt động.
Các cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp đã đầu tư kinh phí, được các cấp chính quyền và Chi cục Thú y cấp phép theo quy định, mới chỉ hoạt động được 20 đến 30% công suất thiết kế, một số phải ngừng hoạt động giết mổ dây chuyền hoặc chuyển sang giết mổ thủ công bán công nghiệp để duy trì hoạt động. Đáng nói, vốn đầu tư cơ sở giết mổ gia cầm tập trung quá lớn, gấp hàng chục lần so với xây dựng cơ sở bán công nghiệp, dẫn tới chi phí giết mổ cao. Mặt khác, người tiêu dùng chưa quan tâm nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, khiến các cơ sở giết mổ thủ công, nhỏ lẻ tiếp tục tồn tại.
Lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do công tác đánh giá phân loại, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, quản lý, kiểm tra, kiểm soát trong giết mổ đối với các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn. Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, vì vậy cơ quan thú y không thể kiểm soát theo đúng quy định của Luật Thú y.
Các cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp không có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, thiếu hệ thống phân phối sản phẩm, thiếu sự hỗ trợ của khâu chế biến sau giết mổ và chi phí giết mổ cao, cho nên giảm tính cạnh tranh. Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn chiếm phần lớn, thiếu các cơ sở giết mổ tập trung là nguyên nhân chính cho sự tồn tại của phương thức giết mổ nhỏ lẻ, thậm chí giết mổ tại hộ chăn nuôi. Cùng với đó sự vào cuộc của cấp chính quyền địa phương cơ sở chưa quyết liệt, chưa chú trọng triển khai quy hoạch giết mổ; thiếu chỉ đạo, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Việc thực hiện quy hoạch giết mổ tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đối với các điểm giết mổ đã được quy hoạch, chính quyền địa phương chưa kêu gọi hoặc thu hút được các nhà đầu tư, không bố trí được quỹ đất xây dựng, vốn đầu tư, gặp khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, các thủ tục triển khai dự án gặp nhiều phức tạp. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển GSGC chưa đồng bộ, hiệu quả. Nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y.
Tình trạng buôn bán, giết mổ GSGC nhỏ lẻ, tự phát không chỉ là thói quen có hại, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để khắc phục bất cập trong công tác quản lý giết mổ GSGC, cần thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh giết mổ GSGC, tập trung triển khai các Quyết định và Kế hoạch số 203/KH-UBND ngày 24-10-2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong lĩnh vực giết mổ GSGC tập trung, phấn đấu giảm khoảng 50% số cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư đến năm 2020, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn các huyện, thị xã…
Các ngành chức năng cần rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến đồng bộ; quy hoạch các điểm giết mổ tập trung gắn với các chợ bán sản phẩm thịt GSGC hiện có tại từng địa phương. Đẩy nhanh tiến độ hình thành các cơ sở giết mổ GSGC tập trung trên địa bàn thành phố theo quy hoạch… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh GSGC trên địa bàn quản lý theo phân cấp; phối hợp các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, xây dựng chuỗi truy xuất nguồn gốc, giới thiệu các dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, các mô hình giết mổ điển hình, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết.
Nhằm hạn chế tình trạng giết mổ GSGC tự phát, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong dịp Tết, Chi cục Thú y Hà Nội đã tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh giết mổ tại các cơ sở để ngăn chặn việc sử dụng GSGC không rõ nguồn gốc làm thực phẩm. Đồng thời kiểm soát có hiệu quả việc sử dụng chất cấm, chất tạo nạc, thuốc an thần sử dụng trong chăn nuôi.
NGUYỄN NGỌC SƠN
Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội
Theo nhandan.com.vn