Cập nhật: 31/01/2019 16:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Nhiều tuyến đường cửa ngõ, trục xuyên tâm trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bị quá tải trước mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phân luồng, điều tiết giao thông, cho nên việc đi lại bớt căng thẳng hơn so những năm trước.

Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại ngã tư Hàng Bông - Nguyễn Thái Học (Hà Nội).

Tuần làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tình trạng ùn ứ giao thông diễn ra thường xuyên hơn trên các tuyến đường cửa ngõ, những nút giao thông trọng điểm ở TP Hồ Chí Minh. Hai ngày cuối tuần qua, từ ngã tư Hàng Xanh kéo dài đến trước cổng Bến xe Miền Ðông (quận Bình Thạnh), dòng ta-xi, xe gắn máy xếp hàng dài, nhích từng mét một vào bến xe. Tại khu vực trung tâm thành phố, từ ngày 26-1 đến nay, hành khách đổ dồn về ga Sài Gòn để lên tàu về quê. Phương tiện từ các nơi đưa hành khách ra ga Sài Gòn thường tập trung vào khung giờ chiều, tối, các tuyến đường Nguyễn Thông, Kỳ Ðồng, Trần Văn Ðang (quận 3) dẫn vào ga luôn bị tắc nghẽn. Không hiếm trường hợp hành khách di chuyển sát giờ tàu khởi hành, lại bị kẹt xe dẫn đến trễ tàu. Các tuyến đường chung quanh sân bay Tân Sơn Nhất như: Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn, khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả, tầm từ trưa đến tối, phương tiện lưu thông rất khó khăn, nhất là đoạn cầu vượt trên đường Cộng Hòa.

Tại Hà Nội, giao thông trong khu vực nội đô những ngày cận Tết năm nay đã bớt căng thẳng hơn so cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm, trên các tuyến đường Thái Hà, Tây Sơn, Chùa Bộc, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Giải Phóng, Pháp Vân, Nguyễn Văn Cừ vẫn xảy ra ùn tắc, khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Các tuyến đường Minh Khai, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng… đang bị rào chắn để phục vụ thi công, mặt đường bị thu hẹp, trong khi lưu lượng phương tiện tăng cao, khiến giao thông khó khăn. Trên hai phố Kim Mã, Cát Linh, do nhà thầu tiến hành rào chắn đường để thi công nhà ga và dốc hạ ngầm tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội, mọi phương tiện phải dồn sang các tuyến phố Nguyễn Khánh Toàn, Ðào Tấn, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Giảng Võ… dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ trên các tuyến này.

Nguyên nhân tình trạng ùn tắc giao thông trong những ngày qua tại hai thành phố lớn là do nhu cầu đi lại để mua sắm, thăm hỏi của người dân trong dịp Tết tăng đột biến, cộng với việc có nhiều người dân từ các địa phương khác đưa hàng hóa, nông sản về hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, hoặc nhập hàng từ hai đầu mối này để đưa về địa phương bán lẻ. Trong khi đó, trên cả hai địa bàn đều đang triển khai thi công nhiều công trình hạ tầng giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân. Mặt khác, công tác quản lý trật tự đô thị dịp này bị buông lỏng, nhiều hộ kinh doanh tranh thủ mấy ngày Tết bung ra buôn bán, họp chợ ở khắp nơi, lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng để kinh doanh, khiến giao thông tắc nghẽn.

Trước tình hình này, Ban An toàn giao thông TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-BATGT triển khai đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian trước, trong, sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân năm 2019. Thành phố đặt mục tiêu trong dịp này sẽ giảm từ 5 đến 10% số vụ tai nạn giao thông so cùng kỳ năm trước; không để xảy ra ùn tắc kéo dài, nhất là tại các cửa ngõ ra vào nội đô, các tuyến đường vành đai, trục chính xuyên tâm... Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở đã yêu cầu các đơn vị dừng cấp phép đào hè, đường và dừng thi công từ ngày 25-1 (tức 20 tháng Chạp) đến hết Tết. Các nhà thầu phải khẩn trương hoàn thiện các hạng mục dở dang, tập kết máy móc về nơi quy định, thu dọn công trường, thu hẹp rào chắn để tổ chức, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Sở bố trí cán bộ, lực lượng cơ động thường trực 24/24 giờ để kịp thời giải quyết sự cố có liên quan kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện nay, các đơn vị đang gấp rút thi công hai dự án cải tạo, mở rộng đường Láng và đường vành đai 3 dưới thấp. Dự kiến, đường vành đai 3, đoạn từ Nguyễn Xiển đến Phạm Hùng sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào ngày 30-1 (25 tháng Chạp); đường Láng hoàn thành vào ngày 2-2 (28 tháng Chạp). Việc đưa vào khai thác, sử dụng hai công trình này sẽ cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc trên hai trục giao thông huyết mạch.

Ðại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông chủ động phân luồng từ xa ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô, có phương án xử lý nhanh, hiệu quả trong những tình huống ùn tắc cục bộ, ùn tắc kéo dài trên các tuyến đường huyết mạch. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ các đội tuần tra làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển, hướng dẫn, phân luồng bảo đảm trật tự giao thông trong giờ cao điểm. Công an các phường, quận cũng huy động thêm lực lượng khác như dân phòng, đội tự quản, đoàn thanh niên tham gia điều tiết giao thông tại 31 điểm thường xuyên ùn tắc. Từ ngày 15-1 đến 15-2, Công an TP Hà Nội tăng cường cho cảnh sát giao thông 24 tổ cảnh sát cơ động với quân số gần 50 cán bộ, chiến sĩ tham gia tổ chức phân làn giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán.

Tại TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố yêu cầu Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vận tải bố trí lực lượng ứng trực trên các tuyến đường trọng điểm, trục đường chính, phức tạp, có nguy cơ ùn tắc, nhất là tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, các bến xe khách liên tỉnh, nút giao thông An Phú, vòng xoay Phú Hữu, quốc lộ 1 (đoạn Khu du lịch Suối Tiên và huyện Bình Chánh); đồng thời tổ chức phân luồng hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm. Ban Giám đốc Bến xe Miền Ðông phối hợp Ðội Cảnh sát giao thông Bình Triệu, Cảnh sát giao thông Hàng Xanh cùng đội bảo vệ của bến xe túc trực thường xuyên để điều tiết giao thông khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Ðinh Bộ Lĩnh, không để ùn tắc kéo dài. Bên cạnh đó, thanh tra giao thông cần phối hợp cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết phương tiện chở quá số người quy định tại thời điểm đón, trả khách và trong suốt quá trình vận chuyển.

Ðể khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp Tết, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh tổ chức bốn tuyến xe buýt phục vụ hành khách ra vào sân bay. Trong đó, có tuyến xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Bến xe Vũng Tàu, cự ly toàn tuyến 105 km, hoạt động từ 0 giờ tới 23 giờ 30 phút hằng ngày. Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất triển khai hàng loạt giải pháp nâng cao năng lực điều hành khai thác; bổ sung trang thiết bị, phương tiện, tăng cường bảo đảm an ninh hàng không… Ðơn vị này vừa hoàn thành dự án mở rộng sân đỗ máy bay phía bắc, cung cấp thêm tám vị trí đỗ máy bay. Ngoài ra, một công trình khác đang được gấp rút thi công hoàn thành trước Tết là dự án mở rộng thêm 29 vị trí đỗ cho sân bay.

Càng gần Tết, nhu cầu đi lại thăm hỏi, mua sắm, vận chuyển hàng hóa của người dân càng tăng mạnh, tình hình giao thông phức tạp. Ngoài sự chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông của lực lượng chức năng, bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, tuyệt đối không uống rượu, bia khi lái xe, để góp phần kiềm chế ùn tắc và tai nạn giao thông.

VIỆT ANH, QUỐC TOẢN và QÚY HIỀN

Theo nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm