Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước đã tổ chức thường trực bốn cấp, tiếp nhận khám, cấp cứu kịp thời cho gần 183 nghìn lượt người bệnh.
Ðánh giá tổn thương để đưa ra phương án điều trị cho người bệnh tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Dương Ngọc
Mới giữa buổi sáng 9-2 (tức mồng 5 tháng Giêng) mà các giường cấp cứu của Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) đã gần như kín người bệnh, báo hiệu một ngày làm việc vất vả cho các thầy thuốc. Người bệnh mới đưa vào được sàng lọc ngay, một số trường hợp được chuyển ngay đến các khoa, trung tâm trong bệnh viện. Khu vực cho người bệnh nặng, hầu hết người bệnh phải thở máy, theo dõi đặc biệt do tai biến mạch máu não, đột quỵ, tim mạch, xuất huyết tiêu hóa, suy gan, thận... Các bác sĩ, y tá đi lại, trao đổi khẩn trương. Thống kê cho thấy, mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận hơn 200 người bệnh, tăng 30% so với ngày thường, trong đó có tới 50% số người bệnh từ tuyến dưới chuyển lên.
Trên tầng hai là Trung tâm Chống độc. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm cho biết, số lượng người bệnh vào cấp cứu không nhiều hơn ngày thường, nhưng tình trạng ngộ độc chất (cồn công nghiệp, thuốc diệt cỏ, thậm chí là ma túy tổng hợp...) rất đáng lo ngại. Người vào cấp cứu do ngộ độc rượu được ghi nhận ở mọi lứa tuổi, giới tính. Ðáng báo động nhất là tình trạng ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat vẫn ở mức rất nghiêm trọng. Chỉ riêng mồng 4 tháng Giêng, đã có ba ca ngộ độc hóa chất diệt cỏ Paraquat, trong đó có hai ca rất nặng, không thể qua khỏi, cho nên gia đình đã xin đưa về. Trường hợp thứ ba mặc dù tỉnh táo nhưng các bác sĩ vẫn tiên lượng xấu. Bác sĩ Nguyên nhấn mạnh, Paraquat là chất gây tử vong rất cao, lên đến 70%. Những trường hợp cấp tính có thể tử vong nhanh trong ba ngày đầu sau khi uống phải; nhiều trường hợp tử vong sau ba tháng ngộ độc.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức, tuy số lượng nạn nhân nhập viện cấp cứu không tăng cao so với ngày thường cũng như cùng kỳ năm 2018, nhưng thống kê cho thấy mức độ chấn thương lại nặng hơn. Trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 người nhập viện do tai nạn giao thông, phần lớn là chấn thương nặng. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức Ðồng Văn Hệ, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn chủ yếu là do sử dụng rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm, cũng như ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông nói chung chưa cao. Riêng bốn ngày nghỉ Tết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức tiếp nhận 528 ca cấp cứu, trong đó có 254 ca do tai nạn giao thông và 136 ca tai nạn sinh hoạt... Các bác sĩ trực khá vất vả do liên tục phải thực hiện phẫu thuật cấp cứu, trong đó có hàng chục ca phẫu thuật chấn thương sọ não...
Theo thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong những ngày nghỉ Tết, các cơ sở y tế tiếp nhận 16.154 lượt người bệnh đến khám, cấp cứu. Trong số ca cấp cứu, tai nạn giao thông là 1.530 trường hợp, tai nạn sinh hoạt là 1.586 ca, ngộ độc thức ăn 59 trường hợp... Ngoài ra, dịp Tết năm nay có 277 trường hợp nhập viện do đánh nhau, 21 trường hợp do pháo nổ. Nếu như những ngày thường Trung tâm cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh tiếp nhận các trường hợp bệnh thông thường như tăng huyết áp, tiêu chảy… thì trong những ngày Tết, số ca cấp cứu chủ yếu là tai nạn giao thông, té ngã, thậm chí có ca bị ngạt nước… Trung tâm cấp cứu 115 tổ chức bốn tua điều dưỡng (12 người), năm tua bác sĩ làm việc mỗi ngày. Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân Dân Gia Ðịnh là nơi đón nhận người bệnh đông nhất trong dịp Tết. Ðể bảo đảm công việc, bệnh viện đã chủ động lên kế hoạch tăng cường nhân lực, bố trí đội ngũ cán bộ trực 24/24 giờ; bố trí đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng mọi yêu cầu khi có trường hợp khẩn cấp. Trong những ngày Tết vừa qua, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm ca nhập viện vì tai nạn giao thông, hôn mê, biến chứng…
Bên cạnh việc chăm sóc, điều trị gần 1.500 người bệnh phải đón năm mới trong viện, bảy ngày nghỉ Tết vừa qua, các khoa, phòng, đơn vị thuộc Bệnh viện T.Ư Huế tiếp nhận thăm khám, cấp cứu cho gần 3.000 lượt người bệnh. Trong số ca tai nạn vào cấp cứu có 335 trường hợp bị tai nạn giao thông. Bên cạnh những thương tích nghiêm trọng như gãy chân, gãy tay…, khá nhiều nạn nhân bị đa chấn thương, đặc biệt một số trường hợp bị chấn thương sọ não... Riêng tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện T.Ư Huế), số lượng người bệnh vào khá đông, các giường bệnh ở khu vực tiếp nhận gần như không còn chỗ trống. Hơn 10 nhân viên y tế phải liên tục kiểm tra sức khỏe và phân loại người bệnh. Những trường hợp nặng cần can thiệp được nhanh chóng chuyển đến phòng phẫu thuật. Theo Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Hoàng Bách Thảo, trong những ngày Tết, Bệnh viện T.Ư Huế đã yêu cầu các khoa, phòng bảo đảm trực 24/24 giờ. Khi có người bệnh cấp cứu, nhân viên trực phải tiếp nhận, thăm khám, xử lý ngay, không được để chậm trễ. Các bác sĩ được cử đi hội chẩn phải có trình độ chuyên môn tốt, có đầy đủ trách nhiệm pháp lý và chấp hành đúng các quy định về hội chẩn của bệnh viện. Những khoa có người bệnh nặng thì phải phân công nhau hằng ngày đến thăm khám, giải quyết công việc chuyên môn, không để sai sót. Khoa Cấp cứu hồi sức chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc và ô-xy trên các xe cấp cứu; bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng cho những nơi quá tối; phối hợp các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh viện.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, tổng cộng trong bảy ngày nghỉ Tết, các bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị gần 183 nghìn lượt người bệnh, trong đó nhập viện điều trị nội trú cho hơn 114 nghìn người bệnh; thực hiện hơn 11.600 ca phẫu thuật các loại. Cả nước có 4.724 trường hợp phải cấp cứu do đánh nhau, trong đó 2.677 người phải nhập viện điều trị, theo dõi; tiếp nhận cấp cứu cho 299 trường hợp do tai nạn pháo nổ...
Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, trong dịp Tết, số ca tai nạn giao thông, số người bị thương và số người chết do tai nạn giao thông đều giảm. Tuy nhiên, trong những ngày cuối của đợt nghỉ Tết, lại có xu hướng gia tăng khi một lượng lớn người dân di chuyển về các thành phố để làm việc, lao động, học tập…
Theo Hoàng Hậu Hảo/nhandan.com.vn