Hằng năm, cứ mỗi độ Xuân về, nhân dân cả nước lại nô nức tham gia Tết trồng cây. Nhằm chuẩn bị tổ chức Tết trồng cây năm nay thiết thực, hiệu quả, chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng trái pháp luật trong mùa khô 2018-2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị về phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019.
Ảnh minh họa: TTXVN.
Để thực hiện tốt công tác trồng cây, trồng rừng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực tham gia Tết trồng cây. Qua đó, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu... Cùng với việc thực hiện nghiêm các chỉ thị, chỉ đạo của các cơ quan và ngành chức năng, để Tết trồng cây đạt hiệu quả cao, cây trồng phát triển tốt, có tỷ lệ sống cao, mỗi địa phương cần chọn thời điểm thời tiết thuận lợi, lựa giống cây phù hợp thổ nhưỡng gắn với việc bố trí hợp lý vị trí trồng cây. Đồng thời, phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh cho các tổ chức, các lực lượng, các tổ dân cư và từng hộ gia đình. Các trường học tổ chức cho học sinh chăm sóc, trồng cây xanh trong nhà trường dịp đầu xuân mới. Làm được việc đó, các em học sinh sẽ sống thân thiện hơn với môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh công cộng. Căn cứ vào tình hình thời tiết, thời điểm tổ chức Tết trồng cây đối với các tỉnh phía bắc tiến hành vào đầu xuân năm mới Kỷ Hợi, đối với các tỉnh phía nam tiến hành vào dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19-5).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ vào năm 2025 đạt 20 tỷ USD. Hiện ngành lâm nghiệp, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ năm trên thế giới. Riêng năm 2018, gỗ và các sản phẩm gỗ đã đạt giá trị xuất khẩu 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong năm 2018 cả nước đã trồng 231.523 ha rừng, bằng 118,7% kế hoạch năm, trong đó: rừng phòng hộ, đặc dụng 15.070 ha, đạt 100,5%; rừng sản xuất 216.453 ha, đạt 120,3% kế hoạch năm.
Bên cạnh việc bảo vệ khí hậu, ổn định môi trường, việc trồng cây, trồng rừng có ý nghĩa rất quan trọng trong thu nhập kinh tế của quốc gia và cộng đồng xã hội. Do đó, các địa phương, đơn vị cần xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng cụ thể; việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, lãng phí. Chính quyền các cấp cần đôn đốc, tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị lễ phát động Tết trồng cây tại địa phương theo đúng kế hoạch tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.
Theo DŨNG MINH/nhandan.com.vn