Sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tại nhiều địa phương trên cả nước, đang và sẽ diễn ra các lễ hội mùa xuân với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có nhiều lễ hội lớn như: Chùa Hương, chùa Bái Ðính, Yên Tử, Ðền Hùng,… Các lễ hội thu hút hàng triệu lượt người tham dự khiến nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm tăng đột biến, kéo theo nguy cơ mất an toàn vệ sinh, ngộ độc thực phẩm và các bệnh do ăn uống phải thực phẩm "bẩn" gây ra.
Ảnh minh họa: TTXVN.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực lễ hội chủ yếu kinh doanh các loại thực phẩm ăn nhanh, như: bún, cháo, mì, phở, bánh, xôi, oản, nước giải khát… Một số sản phẩm địa phương cũng được sản xuất vội, bày bán trong thời gian diễn ra lễ hội. Do lễ hội thường tổ chức ở ngoài trời, cho nên dịch vụ ăn uống cũng không bảo đảm điều kiện vệ sinh, lều quán tạm bợ, thiếu nước sạch, không thu gom chất thải, không bảo quản và chế biến thực phẩm đúng quy định. Nhiều khu vực ẩm thực được bố trí ở ngay đường đi, lối lại để "hút" khách nhưng gió bụi, mưa nắng, côn trùng… làm cho thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm. Thời tiết vào dịp này cũng là tác nhân gây vi khuẩn phát triển nhanh hơn bình thường, thực phẩm dễ bị ôi thiu, nguy cơ gây hại sức khỏe, tính mạng con người. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng ở một số địa phương cho thấy, người tham gia chế biến thực phẩm tại một số lễ hội chưa được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP), chưa được khám sức khỏe; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa ký cam kết bảo đảm ATTP với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Tình trạng bày bán thực phẩm chín lẫn với thực phẩm sống, thức ăn chế biến sẵn không có tủ bảo quản, che đậy sơ sài, người chế biến không đeo găng tay, bảo hộ… vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
Ðiển hình, ngày 14-2, Ðoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 TP Hà Nội kiểm tra ba nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu vực lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Ðức), phát hiện cả ba nhà hàng đều bảo quản thực phẩm không đúng quy định; một nhà hàng có 9 trong số 10 mẫu bát rửa không sạch, túi đá viên dùng để uống được để chung với tủ bảo quản thực phẩm sống; hai nhà hàng chưa xuất trình được giấy chứng nhận nguồn gốc thực phẩm. Theo Ban tổ chức lễ hội chùa Hương, trong số 55 cơ sở kinh doanh thực phẩm tại khu vực lễ hội, có 53 cơ sở hoạt động mang tính chất thời vụ. Trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, cũng ở khu vực chùa Hương, cơ quan chức năng đã kiểm tra hơn 300 lượt tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ăn uống, phát hiện và xử lý vi phạm 23 cơ sở vi phạm quy định ATTP.
Ðể chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người dân tham gia lễ hội mùa xuân, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ ngành y tế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại lễ hội và sự kiện lớn trên địa bàn. Trong đó, cần tập trung giám sát, kiểm tra các cơ sở cung cấp thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống; kiểm tra nguồn nước, dụng cụ chế biến, trang thiết bị, lưu mẫu thức ăn, điều kiện vệ sinh của nhân viên phục vụ; tổ chức lấy mẫu để phân tích các yếu tố nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Tiến hành rà soát cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở kinh doanh mang tính chất "thời vụ", yêu cầu ký cam kết bảo đảm ATTP và đáp ứng những điều kiện bắt buộc về ATTP, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP, công khai kịp thời cơ sở vi phạm, để người dân và du khách được biết.
Ngành y tế cần bố trí các đội thường trực, sẵn sàng cấp cứu, xử lý kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; thường xuyên tổ chức phun hóa chất, thu gom rác thải, xử lý môi trường để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh và bệnh truyền nhiễm. Khi sử dụng dịch vụ ăn uống tại các lễ hội, du khách cần lựa chọn những cơ sở kinh doanh sạch sẽ, có biển hiệu cửa hàng thể hiện rõ các nội dung: Giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm ATTP; giấy cam kết bảo đảm ATTP. Nếu phát hiện các cơ sở vi phạm về ATTP, du khách cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời thanh tra, kiểm tra, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Theo KHÁNH HUY/nhandan.com.vn