Cập nhật: 18/02/2019 10:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm gần đây, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen trên địa bàn tỉnh Hà Nam có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong đó, đáng chú ý là các đối tượng lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để hoạt động biến tướng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen... Vì vậy, tỉnh Hà Nam đang tích cực triển khai các giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này.

Công an và Ðoàn Thanh niên phường Nam Hạ, TP Phủ Lý (Hà Nam) phối hợp ra quân bóc gỡ quảng cáo cho vay tiền dưới hình thức hỗ trợ tài chính.

Các đối tượng thường tổ chức phát tán, dán tờ rơi tại các địa điểm công cộng, cột điện, tường rào, nơi có nhiều người qua lại hoặc phát tán các tin nhắn nhằm lừa người dân vay tiền với lãi suất cao. Do thủ tục cho vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp nên dù lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng, vẫn có nhiều người dân tìm đến dịch vụ này khi cần tiền. Các hoạt động này hiện nay đã lan rộng khắp các địa bàn trong tỉnh, từ thành thị đến nông thôn. Trong quá trình vay tiền của các tổ chức trên, một số người dân không có khả năng trả nợ theo như thỏa thuận đã dẫn đến tình trạng đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản… gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đồng thời là điều kiện phát sinh, gia tăng hàng loạt loại tội phạm và tệ nạn xã hội như cố ý giết người, gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật…

Theo số liệu rà soát, thống kê từ cơ quan Công an tỉnh Hà Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 88 cơ sở cầm đồ có giấy phép hoạt động; 20 điểm hỗ trợ tài chính, tư vấn tài chính có giấy phép hoạt động, 63 điểm hỗ trợ tài chính, tư vấn tài chính hoạt động không giấy phép, một điểm cho vay lãi suất thấp. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ liên quan đến đòi nợ, siết nợ; Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố hai vụ, 12 đối tượng, xử lý hành chính năm vụ, 13 đối tượng. Các vụ liên quan "tín dụng đen" chủ yếu là cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự nơi công cộng. Có thời điểm hoạt động của "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Hà Nam diễn biến phức tạp, đối tượng mở các cơ sở cầm đồ, điểm cho vay không cần thế chấp, cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ tài chính, với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh, người vay chỉ cần có hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng lái xe là các đối tượng đồng ý cho vay tiền. Tuy nhiên, chúng thường nhằm tới các tổ chức, cá nhân đang gặp khó khăn về tài chính và người vay được yêu cầu viết tay giấy bán tài sản thế chấp. Khi những người vay không trả đúng kỳ hạn thì chúng tiếp tục chốt tiền lãi thành tiền gốc, trường hợp nợ kéo dài thì chúng tổ chức thành nhóm đến gia đình người vay nợ đe dọa, đòi nợ bằng nhiều hình thức, thủ đoạn như đặt vòng hoa trước nhà, ném chất thải vào nhà… để uy hiếp tinh thần, gây áp lực với người vay phải tìm mọi cách để trả nợ.

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động "tín dụng đen", Công an tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa xã hội, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp cùng công an các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tiến hành ra soát, lập danh sách, lý lịch các đối tượng quản lý cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời tiến hành gọi hỏi, răn đe, giáo dục, yêu cầu viết cam kết; phân công cán bộ phụ trách địa bàn tăng cường quản lý đối tượng và cơ sở có biểu hiện đòi nợ, siết nợ, không để các đối tượng hoạt động phức tạp gây bức xúc trong nhân dân. Theo đó, đã có 19 cơ sở cầm đồ, 34 cơ sở hỗ trợ tài chính, cho vay lãi suất thấp, tư vấn tài chính tháo biển quảng cáo và dừng hoạt động.

Dù đã đạt được kết quả nhất định, song công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn nhiều khó khăn. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị nghiệp vụ trong Công an tỉnh và các cơ quan quản lý các cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính… chưa chặt chẽ. Các cơ sở hỗ trợ tài chính, cầm đồ, cho vay thường núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, do đó, việc kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm của lực lượng công an gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở cầm đồ thường cất giữ tài sản cầm cố ở một địa điểm khác để đối phó lực lượng công an khi bị kiểm tra, không ghi sổ sách hoặc ghi hai sổ, một sổ để "phục vụ" các lực lượng kiểm tra, một sổ theo dõi thực tế. Ðể đối phó và tránh bị kiểm tra, các đối tượng không treo biển hiệu mà hoạt động trên mạng xã hội, dán tờ rơi quảng cáo, liên lạc bằng điện thoại. Trong khi đó, mức hình phạt quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa. Những tổ chức, cá nhân vay tiền vì sợ đối tượng cho vay trả thù nên khi xảy ra tranh chấp hầu hết là tự giải quyết mà không trình báo với cơ quan công an.

Để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, ổn định, tỉnh Hà Nam đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ, trong đó có việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn, các quy định của pháp luật về hình sự, xử phạt vi phạm hành chính và các nội dung pháp luật khác về bảo đảm an ninh trật tự. Ðặc biệt là tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm có liên quan đến "tín dụng đen", dịch vụ cầm đồ, biến tướng của dịch vụ cầm đồ để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, qua đó, tự phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp công tác, chủ động nắm tình hình địa bàn, đối tượng; kịp thời phát hiện và tập trung đấu tranh triệt phá các đối tượng, ổ nhóm có hoạt động tín dụng đen. Tăng cường công tác quản lý cư trú, kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự. Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là những vụ án liên quan hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo đảm xử lý nghiêm minh đúng người, đúng tội; đồng thời đưa ra xét xử lưu động tại nơi xảy ra tội phạm nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung. 

Theo ÐÀO PHƯƠNG/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm