Cập nhật: 18/02/2019 14:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thời gian qua được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; các bộ, ngành, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) tuyên truyền cho bà con nhân dân xã Mường Cang về công tác phòng, chống cháy rừng. Ảnh: Công Tuyên/TTXVN

Diện tích rừng cả nước liên tục tăng, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng giảm đáng kể cả về số vụ và diện tích rừng bị thiệt hại, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định, góp phần bảo đảm an ninh môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và giữ vững an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng trái pháp luật, cháy rừng còn xảy ra ở một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) năm 2018, cả nước phát hiện 12.945 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.577 vụ (tương ứng giảm 22%) so với năm 2017. Diện tích rừng bị thiệt hại là 936 ha, giảm 515 ha (tương ứng giảm 35%). Các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô. Riêng về vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật, cả nước đã phát hiện 4.967 vụ vận chuyển, mua bán trái pháp luật gỗ và lâm sản (giảm 25% so với năm 2017). Ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu năm 2019, bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có, ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật, giảm ít nhất 10% số vụ vi phạm, giảm ít nhất 20% diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2018.

Nhằm tăng cường ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng, ngày 25-1, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT có Chỉ thị số 557/CT-BNN-TCLN. Theo đó, để chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn, giải quyết căn bản các điểm nóng về cháy rừng, phá rừng trái pháp luật ngay từ đầu năm và nhất là trong mùa khô, đề nghị các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các giải pháp trọng tâm; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng trên địa bàn, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; xác định, truy quét các "đầu nậu", xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật.

Bên cạnh đó, cần sắp xếp, kiện toàn tổ chức các công ty lâm nghiệp để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là rừng tự nhiên; kiên quyết xóa bỏ các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật; thực hiện có hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc gỗ, lâm sản hợp pháp.

Hằng năm, trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình vi phạm về rừng thường diễn ra do tập quán đốt vàng mã của nhân dân và các đối tượng phá rừng lợi dụng sự lơ là, buông lỏng quản lý của các cơ quan có trách nhiệm. Do đó, các lực lượng cần phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Nhằm nâng cao ý thức của người dân, các cấp, các ngành cần thường xuyên tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống gần rừng cải thiện sinh kế, phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ rừng, phối hợp với các lực lượng có trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả. 

Theo VŨ THÀNH/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm