Đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần, đậu Hà Lan xào tỏi 300.000 đồng/phần, trứng xào cà chua 500.000 đồng/phần, mồng tơi xào 250.000 đồng/đĩa, cơm trắng 200.000 đồng/phần…, ấy là mức giá “cắt cổ” mà những nhóm khách người nước ngoài đã phải chi trả, khi đến dùng bữa tại một số nhà hàng ở Nha Trang (Khánh Hòa) những ngày đầu xuân Kỷ Hợi.
Vài ngày qua, những tờ hóa đơn với giá “trên trời” này được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội đã làm dư luận dậy sóng. Cùng với đó, thông tin về mức phí gửi xe máy, ô-tô, giá rửa xe ngày Tết đồng loạt tăng gấp hai, gấp ba cũng khiến nhiều người hoang mang. Một lần nữa, vấn nạn “chặt chém” du khách lại trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Lý giải hiện tượng nêu trên, có ý kiến cho rằng, vào các dịp lễ, Tết, hàng hóa ít hơn, giá thực phẩm cao, thiếu nhân viên, giá nhân công phục vụ cũng tăng cho nên giá dịch vụ tăng là đương nhiên. Điều này không phải không có lý nhưng không thể là nguyên nhân để thổi giá gấp nhiều lần, đến mức không thể chấp nhận. Hơn nữa, nhìn rộng ra, những năm gần đây, khi mà “ngành công nghiệp không khói” nước nhà đang phát triển mạnh thì dường như, chẳng cần chờ đến những dịp lễ, Tết, thói làm ăn kiểu chộp giật cứ có điều kiện lại phát tác, bất kể ở đâu.
Đến nay, chúng ta vẫn chưa thể quên chuyện khách du lịch người nước ngoài phải trả 850.000 đồng cho một miếng dán đế dép tông, 500.000 đồng cho một gói tăm từ thiện, vài chục nghìn cho một chiếc bánh rán nhỏ, thậm chí là bị trả lại bằng tiền âm phủ khi đi du lịch ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Càng những điểm đến nổi tiếng hút khách như Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Vũng Tàu, Quảng Ninh…, thì nạn bắt chẹt khách tham quan càng xuất hiện nhiều.
Giữa năm 2018, Tổng cục trưởng Du lịch còn phải viết thư xin lỗi du khách người Ô-xtrây-li-a, khi họ mua tua tham quan Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh, phải sử dụng dịch vụ tồi tàn, kém chất lượng trên chiếc tàu ở Cát Bà, Hải Phòng. Không chỉ khách nước ngoài, nhiều khách trong nước cũng là nạn nhân. Câu chuyện nếu người mua hàng nói tiếng địa phương sẽ được đưa mức giá này, không nói tiếng địa phương sẽ bị “hét” mức giá khác đã trở thành chuyện không còn lạ…
Tất nhiên, đó chỉ là những vụ việc mang tính cá biệt bởi một bộ phận người làm dịch vụ thiếu ý thức và hiểu biết gây ra. Nhưng ở thời đại mà chỉ một cái nhấp chuột cũng có thể đưa thông tin đến toàn thế giới thì cách làm du lịch kiểu ăn xổi này tác động tiêu cực tới hình ảnh điểm đến nói riêng và uy tín thương hiệu du lịch quốc gia nói chung. Nhiều người bán hàng hay rỉ tai nhau giờ khách Tây “khôn” lắm, họ trả giá, mặc cả còn sát sao hơn người Việt Nam. Dễ hiểu thôi, bởi nạn bắt chẹt, ép giá ở Việt Nam đã trở thành vấn đề mà du khách nước ngoài phải lưu ý. Và đằng sau kinh nghiệm bỏ túi mà họ vẫn nhắc nhở nhau là cần biết mặc cả, trả giá khi mua hàng là thực tế đau lòng về nạn hét giá, bắt chẹt du khách mà du lịch Việt Nam phải đối mặt.
Hằng năm, ngành du lịch mất không ít tiền bạc, chất xám, công sức để thực hiện những chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch ở những thị trường trọng điểm. Nhưng có lẽ, những nỗ lực này sẽ bị giảm hiệu quả, nếu một bộ phận người làm du lịch vẫn giữ tư duy kinh doanh ngắn hạn, vì cái lợi trước mắt mà đánh mất cảm mến của du khách - yếu tố quyết định làm nên sự phát triển bền vững của du lịch.
Thời gian qua, để đẩy lùi nạn bắt chẹt, ép giá với du khách, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch, nhiều địa phương đã áp dụng những biện pháp mạnh mẽ như: công khai đường dây nóng trực 24 giờ trong ngày để tiếp nhận mọi phản ánh của du khách trong quá trình tham quan, từ đó kịp thời xử lý; thành lập lực lượng thanh tra du lịch; yêu cầu các cơ sở cung cấp dịch vụ phải niêm yết giá công khai…
Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh từ truyền thông, người dân và du khách, các cơ quan chức năng đã có sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt để giải quyết, xử lý. Nhờ đó, tình trạng “hét” giá, thổi giá đối với du khách ở nhiều điểm du lịch đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt như hiện nay vẫn còn khá nhẹ, cần tăng cao, sao cho đủ sức răn đe; đối với những trường hợp lặp lại vi phạm, cần có những biện pháp xử lý mạnh tay như rút giấy phép kinh doanh, cấm hành nghề vĩnh viễn…
Về lâu dài, cần có chiến lược truyền thông, tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức, tư duy làm ăn manh mún, ngắn hạn của một bộ phận những người kinh doanh dịch vụ du lịch, giúp họ hiểu được lợi ích từ việc tạo dựng hình ảnh đẹp cho đơn vị kinh doanh, tiến tới xây dựng môi trường du lịch chuyên nghiệp, văn minh, an toàn, thân thiện.
Theo TRANG ANH/nhandan.com.vn