Được dự báo sẽ bình yên, nhưng mùa lễ hội năm nay, cuối cùng, vẫn có những thời điểm khiến các nhà quản lý lúng túng. Trước sự phản ứng của dư luận khi các lễ hội truyền thống xuất hiện nhiều biến tướng và cả sự hỗn loạn, chính quyền các địa phương đã quyết liệt hơn trong khâu quản lý với mục tiêu đưa các lễ hội trở về với những giá trị nguyên bản, nhân văn và lành mạnh.
Nhiều thanh niên quá khích đòi BTC hội phết Hiền Quan tiếp tục cho cướp phết (ảnh chụp chiều 13 tháng Giêng).
Những hành vi phản văn hóa
Đó là câu chuyện vẫn chưa hết nóng dư luận khi lễ hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) năm nay đã chính thức phải chấp hành “lệnh” tạm dừng tổ chức vì thiếu các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn. Chiều 12 tháng Giêng, màn đánh phết chỉ diễn ra được vài phút đã một lần nữa phá vỡ những cam kết của ban tổ chức lễ hội với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý các cấp trong đề án đổi mới được xây dựng trước đó. Tạm dừng đánh phết, một quyết định chóng vánh được đưa ra ngay trong chiều hôm đó. UBND huyện Tam Nông sau đó đã ban hành công văn chỉ đạo xã Hiền Quan dừng tổ chức phần hội (phần đánh phết) trong ngày chính hội 13 tháng Giêng và những năm sau nếu như chưa thể có một giải pháp dung hòa, bảo đảm an toàn và những hình ảnh văn minh cho lễ hội.
Tiếc nuối và buồn. Người dân xã Hiền Quan đương nhiên không thể tránh khỏi những cảm xúc đó. Nhiều người trong làng trước giờ chính hội vẫn bày tỏ sự phản đối với quyết định tạm dừng này. Không có cướp phết, lễ hội cũng kém vui! Cái lý và tâm tư của họ âu cũng là điều dễ hiểu. Ông Ngô Văn Mão (72 tuổi), Tiên chỉ, Chủ tế Hội Phết Hiền Quan 2019 bày tỏ: “Việc để xảy ra tình trạng nhiều thanh niên giẫm đạp lên nhau cướp phết là do khâu tổ chức chưa tốt, chưa bảo đảm an ninh chứ không phải do nghi thức của lễ hội”.
Đương nhiên, cơ quan quản lý không ai mong phải gọt giũa quá nhiều để vo tròn một lễ hội “đến hẹn lại lên” của dân làng. Tuy nhiên, lễ hội không còn nguyên vẹn với những giá trị văn hóa cội gốc, nhân bản, để thế hệ hậu sinh bày tỏ tấm lòng tri ân trước các bậc tiền nhân. Những biến tướng hò hét, xô đẩy, giẫm đạp bạo lực, hình ảnh các thanh niên xăm trổ đầy người, cởi trần và bùn đất cầm gậy gộc lao vào nhau xuất hiện vô số, tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm đối với một sinh hoạt văn hóa dân gian của cộng đồng. Là bậc cao niên gắn bó với cuộc sống dân làng và chứng kiến đã không biết bao nhiêu mùa phết, ông Nguyễn Quốc Thậm (Phó Ban quản lý khu di tích đình, đền, chùa xã Hiền Quan) vẫn buộc phải thừa nhận, tạm dừng tổ chức cướp phết là điều đáng tiếc nhưng hợp lý, ở thời điểm này.
Nhưng những người trong cuộc cũng khá bất ngờ và lúng túng khi hàng trăm thanh niên tiếp tục có những hành động quá khích, gây rối và bất kính ngay trước cửa đền tôn nghiêm để đòi… cướp phết. “Truyền thống lễ hội của xã Hiền Quan là nhằm tri ân các bậc tiền nhân, tôn vinh tinh thần thượng võ chứ không có cảnh tranh cướp, giẫm đạp lên nhau như vậy. Ngay nơi cửa đền linh thiêng mà nhiều thanh niên cởi trần, xăm trổ, la ó và có những hành vi phản văn hóa khác nữa thì làm sao có thể gìn giữ truyền thống. Đó là sự bất kính, khiến cho nhân dân thập phương hiểu sai về lễ hội…”, ông Nguyễn Quốc Thậm bày tỏ.
Lo lắng trước văn hóa ứng xử của người tham gia lễ hội, đặc biệt là lớp trẻ, ông Bùi Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hiền Quan chia sẻ: “Nhiều năm qua hội Phết Hiền Quan đã loay hoay tìm phương án giải quyết tình trạng bạo lực, phản cảm nhưng vấn đề gốc rễ là ý thức của người tham gia lễ hội, trong đó có nhiều người trẻ vẫn chưa thể giải quyết được. Đây chính là vướng mắc mà địa phương sẽ phải tiếp tục tìm giải pháp…”.
Câu hỏi chưa có lời giải
Mục tiêu giảm thiểu những hình ảnh bạo lực, phản cảm, song hành là tôn vinh các giá trị truyền thống, đưa lễ hội trở về với những giá trị nguyên bản ngay từ đầu là một bài toán khó đối với nhiều lễ hội, trong đó có Hiền Quan. Khi không còn đơn thuần là những lễ hội truyền thống tồn tại trong phạm vi làng, xã mà đã mở rộng, trở thành “điểm hẹn” của du khách thập phương thì rõ ràng, giải pháp quản lý phải khác. Tuy nhiên, khác như thế nào, làm sao để hội vẫn vui mà vẫn an toàn? Chưa ai có thể tìm ra câu trả lời thật sự thuyết phục.
Quay trở lại vấn đề mấu chốt là nhận thức của người đi lễ. Đối chiếu với lễ hội đền Sóc, năm 2018, lần đầu tiên, hội Gióng Sóc Sơn áp dụng hình thức mới là phát lộc thay cho cướp lộc tự do như những năm trước. Đó cũng là năm đầu tiên, hội Gióng diễn ra bình yên. Năm nay cũng vậy, người đi hội đền Sóc đã quen với cách thức tổ chức mới của lễ hội, hoan hỉ ra về với món lộc xuân đầu năm mới. Câu chuyện thay đổi hình thức cướp lộc ở hội Gióng mấy năm trước thật ra có tính chất cũng tương tự việc thay đổi màn cướp phết ở Hiền Quan.
Lễ hội Đền Trần (Nam Định) cũng vậy. Trong sự quá tải đầu năm khi mỗi ngày có đến cả nghìn du khách đổ về khuôn viên ngôi đền chật hẹp, đặc biệt trong ngày khai ấn thì giải pháp mà BTC lễ hội đã triển khai từ 6, 7 năm nay, dời phát ấn từ trong đêm sang sáng ngày rằm tháng Giêng cũng đã đi từ những quan điểm trái chiều đến đồng thuận. Đến bây giờ, người dân và du khách thập phương đã quen với việc chờ đến sớm ngày rằm tháng Giêng để xin lộc ấn. Công tác tuyên truyền về giá trị thật sự của lá ấn cũng như “mưa dầm thấm lâu”, không còn bị phủ lên những giá trị sai lệch.
Với hội phết, nếu bây giờ khẳng định chắc chắn “không tổ chức cướp phết những năm tiếp theo” hẳn sẽ là một sự thiệt thòi và không công bằng cho chính người dân ở Hiền Quan. Do đó, trách nhiệm của nhà quản lý lúc này là phải bàn bạc với chính quyền địa phương để tìm được phương án phù hợp nhất, giúp cho lễ hội trở về đúng với bản chất và ý nghĩa của một lễ hội dân gian.
Theo Mộc Miên/nhandan.com.vn