Ths. BS Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống rằng dù có nghe thông tin về trào lưu thử thách Momo đang xôn xao mạng xã hội, nhưng thực tế bác sĩ chưa từng gặp ca bệnh nào bị ảnh hưởng trực tiếp từ trào lưu này. Tuy nhiên những ảnh hưởng từ truyện tranh, mạng internet … sau đó trẻ nhỏ gián tiếp làm hại bản thân thì Ths Mai Hương gặp khá nhiều.
Trên mạng xã hội đang xôn xao trào lưu thử thách Momo, dù chưa chứng minh được thử thách này là thật hay là hệ quả của truyền thông mạng xã hội, nhưng cũng khiến phụ huynh khắp thế giới trong đó có Việt Nam cảnh giác. Cụ thể, Momo là một nhân vật không có thật đầu người mình chim, xuất hiện trong các đoạn video clip trên youtube. Nhân vật này hướng dẫn, ép buộc và đưa ra các thử thách cho trẻ em, trong đó có những thử thách tự làm hại bản thân.
Phóng viên báo Sức khỏe &Đời sống đã có cuộc trao đổi với Ths. BS Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương về những trào lưu trên mạng, ở trong đời sống xã hội và những tác động của nó tới sức khỏe của trẻ …
Ths. BS Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương
Hành vi tự làm hại bản thân xuất phát từ phim ảnh, truyện, mạng internet
Phóng viên: Gần đây trên mạng xã hội có thử thách Momo, là những đoạn video hướng dẫn trẻ cách tự làm tổn thương mình, trong thực tế bà đã gặp trường hợp nào như vậy hay chưa?
Ths. BS Nguyễn Mai Hương: Có một số trẻ có những hành vi tự làm đau như cắt da thịt, cấu véo …. bản thân được bố mẹ đưa đến BV Nhi Trung ương khám. Trẻ cho biết, cháu không học từ đâu, nhưng cũng có trẻ cho biết, học từ truyện tranh Manga của Nhật Bản. Trong đó có những động tác, hành vi như vậy. Trẻ khi không thoải mái, có cảm xúc tiêu cực, trống rỗng, chán nản, thường có hành vi tác động lên da thịt của mình nhằm tạo ra cảm giác. Khi thực hiện những hành vi tự cắt vào cơ thể, làm đau mình bệnh nhân cho là được giải thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Những hành vi này, trẻ có thể đọc được trên mạng, trong truyện tranh của Nhật Bản.
Những hành vi tự làm đau bản thân đến bệnh viện khám thường là trẻ vị thành niên, từ 12-14 tuổi.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, trẻ sau khi xem các đoạn phim, video, hình ảnh đáng sợ, trẻ trở nên hoang mang, sợ hãi, có phải là biểu hiện bình thường không? Những hành động tự làm hại bản thân có được coi là bệnh lý?
Ths. BS Nguyễn Mai Hương: Những biểu hiện của trẻ như sợ, lo lắng sau khi xem tranh ảnh, phim như vậy chưa thể là bệnh, trừ phi những cảm xúc mang lại cho trẻ vượt quá mức kiểm soát, hoặc kéo dài dai dẳng. Cũng giống như người lớn, khi chúng ta chịu một kích thích nào từ bên ngoài như xem phim kinh dị thì cơ thể sẽ phản ứng lại với kích thích đó.
Trẻ em cũng vậy, khi trẻ xem một bộ phim có những hình ảnh đáng sợ, một phản ứng tâm lý tự nhiên của con người là sợ, hoang mang, hoặc tránh tiếp xúc những gì liên quan đến hình ảnh vừa xem. Những phản ứng như vậy là bình thường. Chỉ khi phản ứng đó vượt quá tầm kiểm soát và gây hại đến cơ thể , ảnh hưởng tới các mối quan hệ hoặc kéo dài thì lúc đó mới là biểu hiện của bệnh lý. Hoặc những hình ảnh đó dẫn tới hậu quả trẻ tự làm hại bản thân sẽ được coi là bệnh lý.
Một số trào lưu trên mạng gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe
Tuy nhiên, trào lưu Momo như báo chí nói thời gian gần đây tôi nghĩ chỉ là giả thuyết. Trong thực tế, tôi chưa từng gặp một trường hợp nào bị ảnh hưởng trực tiếp như trào lưu nói trên. Tôi chỉ gặp những trường hợp bệnh nhân bị những kích thích gián tiếp từ mạng internet từ đó dẫn tới hủy hoại bản thân. Trong y văn từng ghi nhận, có những trường hợp người bệnh làm theo hướng dẫn trên mạng với mục đích xả stress bằng cách tự cắt tay, cắt vào da thịt thấy máu chảy…
Chỉ vì cãi nhau với bạn, trẻ lớp 2 đã muốn chết
Phóng viên: Bác sĩ có gặp trường hợp nào trẻ có ý tưởng tự sát chưa? Với những trường hợp trẻ tự làm đau mình, hoặc thậm chí có trẻ có ý định tự tử là dấu hiệu của bệnh gì, thưa bác sĩ?
Ths. BS Nguyễn Mai Hương: Tôi đã từng gặp những trường hợp như vậy, mới đây có một cháu bé lớp 2, chỉ vì cãi nhau với bạn mà chạy ra sông đòi nhảy xuống sông chẳng hạn, hay có những trẻ có suy nghĩ tiêu cực như muốn nhảy từ tầng 2 xuống đất để…. chết. Những hành vi này thường chúng tôi gặp ở trẻ vị thành niên nhưng cũng có những trường hợp ở trẻ nhỏ tuổi.
Thực ra những ý tưởng tự sát đơn độc chưa đủ cấu thành nên 1 bệnh lý, những suy nghĩ tự sát hay hành động tự làm đau hay đi kèm với các rối loạn tâm lý, bệnh tâm thần, thường gặp nhất là trong rối loạn trầm cảm, các vấn đề cảm xúc, tư duy của những rối loạn này thúc đẩy sự xuất hiện những hành vi tự sát hoặc tự làm đau mình. Ví dụ như khi trẻ bị trầm cảm, trẻ sẽ luôn cảm thấy chán nản, bi quan, không tin tưởng người khác, luôn cho rằng mình có lỗi, hoặc có tội gì đó, hoặc nghĩ mình không có giá trị. Từ đó nảy sinh ý tưởng tự sát và lập kế hoạch tự sát…. Tự sát có 3 giai đoạn là xuất hiện ý tưởng muốn tự sát, sau đó lập kế hoạch và thực hiện hành vi tự sát…
Ths. BS Nguyễn Mai Hương cho rằng việc sử dụng công nghệ hoặc internet rất phổ biến hiện nay. Nên khi cho trẻ sử dụng mạng xã hội, hoặc internet, cha mẹ cần có sự kiểm soát. Với những trẻ vị thành niên, cần hướng dẫn trẻ sử dụng mạng đúng, lành mạnh.
Phóng viên: Với những hành vi tự làm đau bản thân, thường gặp ở những đối tượng nào? Trẻ có biểu hiện làm đau mình thế nào thưa bác sĩ?
Ths. BS Nguyễn Mai Hương: Đối với trẻ, thường gặp hơn là hành vi tự làm đau, tác động lên cơ thể nhưng không nhằm mục đích tự sát. Trẻ có thể lấy những lưỡi dao rạch lên 2 cánh tay, cẳng chân, cấu, véo, đánh chính bản thân mình, nhiều trẻ lớn hơn một chút có thể lấy điếu thuốc châm vào tay đến bị thương…. Chúng tôi gặp những trường hợp trẻ vị thành niên này khá nhiều, dù hiện nay chưa có thống kê chính thức.
Theo một nghiên cứu được công bố cho thấy, có tới 12- 37,2% trẻ trung học phổ thông tại Mỹ có hành vi tự gây thương tích , còn tại Trung Quốc là 33,6%. Một nghiên cứu tổng quan từ 53 nghiên cứu trên thế giới còn cho thấy, tỷ lệ hành vi tự gây thương tích ở trẻ vị thành niên là 18%.
Hành vi tự làm đau thường có mục đích, để trẻ giảm các cảm xúc như lo âu, giận dữ, buồn bực, trong một số trường hợp trẻ có mục đích gây sự chú ý của cha mẹ.
Phóng viên: Cha mẹ cần làm gì trong trường hợp trẻ có hành vi tự làm hại bản thân hoặc có ý muốn tự sát?
Ths. BS Nguyễn Mai Hương: Với trẻ có ý tưởng tự sát cần phải đưa trẻ đi khám ngay, càng sớm càng tốt. Tôi lưu ý với các bậc cha mẹ, nếu trẻ có bất cứ biểu hiện tâm sinh lý nào khác thường, trong đó có cả hành vi tự làm đau bản thân, đầu tiên cha mẹ cần bình tĩnh, cảm thông, tôn trọng, hỗ trợ, đồng hành với trẻ. Nhiều trường hợp cha mẹ chỉ trích trẻ gây ra những hậu quả xấu.
Nếu có những tổn thương gây ảnh hưởng sức khỏe cần đưa trẻ xử lý vết thương, sau đó đưa trẻ đi khám chuyên khoa, phối hợp với bác sĩ can thiệp cho trẻ nếu cần. Có một số cha mẹ bỏ qua không đi khám và điều trị cho con, có bậc phụ huynh lại làm trầm trọng hóa vấn đề, tất cả đều không tốt cho trẻ. Cha mẹ cần giữ thái độ tôn trọng, quan tâm tới trẻ. Nếu chú ý quá mức hoặc không chú ý quan tâm trẻ đều là cách ứng xử không phù hợp với những trẻ có hành vi tự làm đau. Tốt nhất cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ
Hải Yến
Theo suckhoedoisong.vn